bộ tư liệu phục dựng trang phục thời tiền Bắc thuộc ( phần 12)

III.TRANG SỨC ( PHẦN 8)

Danh sách các loại trang sức được đề cập trong bài:

3.9. Khuy cài

3.10. Mũ

3.9.KHUY CÀI:

Một loại vật dụng dùng để cài áo, váy,… đây là một bằng chứng nữa cho thấy ngoài quấn khố ra, đã tồn tại một số loại trang phục nào đó thời Đông Sơn. Đáng tiếc là, thông tin về nó quá sơ sài:

NGUỒN:

A/ KIỂU DÁNG:

 Tất cả đều được trích từ sách “ Lịch sử trang phục các triều đại phong kiến Việt Nam” của Trịnh Quang Vũ:
 http://lichsuvn.net/forum/showthread.php?t=21694

” Trong trang phục thời Đông Sơn không thể không nhắc đến các loại khuy cài, khuy móc. Có thể kể trên 10 chủng loại khuy cài từ to đến nhỏ. Loại to có thể dài khoảng 7cm, loại nhỏ 2cm, có nhiều hình dạng cài móc và có mũ khuy khác nhau.

Có khuy mang hình dáng thuyền hoặc mỏ chim, một đầu dài ra và khoằm xuống vào khuy đồng bên kia mép áo. Thường ở giữa khuy có một đanh tán để ấn định vị trí khuy bám chắc vào vải hoặc đồ da. Hình dáng các khuy nói chung khỏe và thô.

Có khuy được đúc trang trí hình đầu mỏ chim, có dạng hơi bẹt, thân hình bầu dục kéo dài và có mỏ quặp xuống.

Có loại khuy móc hình tròn, thân như chiếc đĩa được uốn cong rồi quặp xuống.

Căn cứ từ những khuy này cho thấy đồ trang phục phải là các loại phải dày hoặc đệm nhiều lớp, hoặc bằng da, lông thú mới không bị khuy làm rách trang phục.

Trong những khuy được phát hiện còn thấy rõ một lớp mạ vàng ở phía ngoài, chứng tỏ đây là khuy dùng cho tầng lớp quý tộc, thủ lĩnh cấp cao, Lạc Hầu, Lạc Tướng.”

Do thông tin quá ít ỏi nên tôi không cho vẽ phục dựng loại trang sức này.

3.10.MŨ:

Gần như toàn bộ hình khắc về người trên các trống đồng được khai quật đến nay đều thể hiện những con người đang đội một loại mũ rất lạ. Tuy nhiên, chúng ta quá thiếu tư liệu để phục dựng chúng.

Nếu chịu khó google ” trống đồng” trên mạng, bạn cũng có thể tìm được rất nhiều hình khắc người Việt cổ. Mặc cho bản khắc mô tả họ đang trong tư thế, hành động gì ( nhảy múa, chèo thuyền, đánh trận,…), các bức khắc đều mô tả họ đang đội một loại mũ cao. Tuy kiểu dáng chi tiết rất đa dạng, nhưng đặc trưng chung của loại mũ này là phần trước trán có 1 túm tua gì đó cao vút lện khỏi đầu một cách rất nổi bật.

Dưới đây là một số hình khắc về loại mũ này, tất cả đều chụp từ DVD ” Đi tìm trang phục Việt”:

Điều khá buồn cười là, dù chúng ta có rất nhiều hình ảnh về loại mũ này, nhưng chúng đều là những hình khắc mang tính ước lệ và khái quát quá cao, nên rất khó phục dựng lại để biết kỳ thực chúng trông như thế nào. Chúng ta thậm chí còn không có tư liệu cho biết chúng được làm bằng chất liệu gì. Những bản vẽ phục dựng nhan nhản hiện nay thường mô tả chúng làm bằng lông chim hoặc bông lau, dù không có bất cứ tài liệu nào làm cơ sở. Nếu cho rằng nó trông giống mũ tết bằng bông lau, lông chim, thì cũng có thể cho rằng nó được ghép bằng bông lúa, cỏ, những tấm gỗ dài hoặc những lá đồng lắm chứ?

Một điều lạ lùng là dù xuất hiện trên trống nhiều như vậy, các nhà khảo cổ hiện vẫn chưa khai quật được bất cứ dấu vết nào liên quan đến loại mũ này. Điều đó có thể là bằng chứng cho thấy mũ được làm bằng vật liệu hữu cơ dễ phân huỷ, hoặc người xưa có 1 tập tục nào đó khiến họ sẽ phá huỷ mũ của mình ở 1 giai đoạn nào đó trong cuộc đời họ ( nung chảy mũ khi 1 ai đó chết đi chẳng hạn)??? Dù sao, tất cả đều là suy đoán quá mơ hồ.

Nhưng vấn đề không chỉ nằm ở chất liệu mũ và sự thiếu hụt hiện vật. Còn 1 vấn đề nữa mà rất nhiều hoạ sĩ khi vẽ loại mũ này thường hay bỏ qua, không biết do vô tình hay cố ý:

CÓ HAI LOẠI MŨ KHÁC NHAU

Bên cạnh loại mũ phổ thông chỉ có 1 túm tua cao vút ở phần trán. Còn 1 loại mũ nữa cũng có mẫu mã nhiều không kém. Loại này có thêm 1 túm tua nữa từ sau gáy ( đôi khi là sau lưng) cao vút lên. Mẫu mã của chúng cũng đa dạng không kém gì loại đầu tiên:

Tóm lại. Mũ tua cao là 1 bản sắc rất đặc trưng không thể thiếu trong trang phục của người Việt cổ. Nhưng nó lại là một trong những phần mù mờ nhất, không thể phục dựng được. Trong thời điểm hiện tại, các hình ảnh tư liệu trên chỉ có thể làm nguồn cảm hứng để các hoạ sĩ vẽ sáng tạo ra những mẫu ” mũ Việt cổ” mà kỳ thực là “mũ phong cách fantasy lấy cảm hứng từ hình khắc về mũ Việt cổ” mà thôi.

Những người quan tâm có thể tra cứu thêm các hình khắc khác trong blog của bác sĩ Nguyễn Xuân Quang. Đây là 1 nguồn tài liệu về hình khắc trống đồng rất phong phú:

https://bacsinguyenxuanquang.wordpress.com/

Một suy nghĩ 1 thoughts on “bộ tư liệu phục dựng trang phục thời tiền Bắc thuộc ( phần 12)

  1. Pingback: tổng kết project trang phục, nhà cửa, thuyền bè thời tiền Bắc Thuộc + nhà cửa thời đầu Bắc thuộc |

Bình luận về bài viết này