Nhầm lẫn giữa miêu tả nỗi đau của nhân vật với việc lạm dụng cảnh bạo hành.

Cái này chỉ là suy nghĩ cá nhân tôi về việc vận dụng các tình tiết sao cho đạt hiệu quả trong câu chuyện.


I. LẠM DỤNG CẢNH BẠO HÀNH *:

  • Trong bài viết này, “ bạo hành” được dùng để áp chỉ tất cả các tình tiết có xu hướng gây tổn hại nặng nề cho nhân vật. Ví dụ: giết chóc, tàn sát, ném người cho quái vật ăn thịt, thí nghiệm con người, rape, bạo hành gia đình,…

Hiện nay, các tác giả thường lạm dụng rất nhiều cảnh bạo hành trong các tác phẩm của mình mà không rõ lí do. Từ các bộ truyện Isekai Nhật cho tới ngôn tình Tàu, thậm chí một vài truyện ngắn của Việt Nam cũng bắt đầu áp dụng điều này vào truyện.

Tôi không thực sự hiểu mục đích của các tác giả nọ là gì. Nếu để câu khách, thì nhiều kiểu bạo hành trong truyện quá man rợ để gọi là fanservice. Tôi không nghĩ có nhiều người thích thú khi nhìn cảnh bóp nát đầu người như trong Saint Gióng. Nếu bảo là để “ phản ánh hiện thực trần trụi”, thì cách thể hiện của nó vẫn quá hời hợt – và đôi khi còn phi thực tế – nếu muốn thể hiện mặt phi nhân của con người. Ví dụ cái Redo of Healer.

= > Lí giải cá nhân tôi: Có lẽ phong trào này bắt nguồn từ một tác phẩm thành công nào đó trong quá khứ ( Berserk?) khiến nhiều người bắt chước. Và họ ngày càng tăng cường độ bạo hành trong khi quên luôn mục đích của mình khi đưa những cảnh đó vào truyện là gì. Cuối cùng, họ chỉ còn nhớ một mục đích duy nhất là đưa vào để gây sốc cho độc giả mà thôi?
Dù sao đi nữa, việc lạm dụng cảnh bạo hành đang gây ra những hậu quả tiêu cực ở cả tác giả lẫn độc giả. Cả hai bên đều ngày càng lãnh cảm và xem những cảnh tàn bạo đó như một sự bình thường. Thậm chí, họ đôi khi còn cổ xuý cho nó.

II. LẠM DỤNG CẢNH BẠO HÀNH ĐỂ MIÊU TẢ NỖI ĐAU CỦA NHÂN VẬT – HIỆU QUẢ THỰC TẾ:

Biện pháp này được sử dụng đặc biệt nhiều trong các bộ ngôn tình ngược. Nó tồn tại không chỉ ở các bộ truyện nơi nữ chính cuối cùng sẽ yêu kẻ hành hạ họ ( chắc người đọc biết tôi đang ám chỉ cái gì rồi). Ngay cả ở những bộ truyện nơi nữ chính cắn răng chịu đựng để nung nấu ý định phục thù, motip này vẫn diễn ra y hệt: Tác giả sẽ dộng xuống đầu nữ chính vô số kiểu hành hạ mà họ nghĩ ra được. Dường như tác giả nghĩ rằng, hành hạ nhân vật càng dữ dội sẽ khiến người đọc thương xót anh ta/cô ta hơn?

Nhưng thực tế, cách làm này có hiệu quả không?
Thử suy nghĩ về bộ “ Vật trong tay”. Tại sao ngay cả khi tác giả ủng hộ trừng trị tên rapist, ngay cả khi Phó Thận Hành đã “ hành” nữ chính bằng cả nghìn kiểu từ biến thái tới độc ác nhất. Vậy mà nhiều độc giả lại đòi tác giả lẫn nữ chính phải yêu thương hắn, thay vì yêu thương người chồng của cô ta? Theo tôi vấn đề cốt lõi nằm ở chỗ, tác giả đã:

  1. Không miêu tả được sự đau khổ của nữ chính, dù viết ra rất nhiều cảnh bạo hành.
  2. Không miêu tả được cả tình cảm giữa Nghiên – Trạch giành cho nhau.

Vấn đề nằm ở chỗ, dù hành hạ nữ chính rất nhiều, tác giả lại không thể khiến độc giả cảm thông với nỗi đau của nhân vật. Dưới mắt họ, cô ta vẫn là một con ma-nơ-canh, một sex object hơn là một con người. Tình yêu giữa vợ chồng họ cũng vậy. Tôi xem truyện, cũng chỉ hiểu Hà Nghiên yêu Viễn Trạch. Nhưng tôi không thể thấu hiểu hay cảm nhận được tình yêu giữa hai người họ. Nói cách khác, dù tác giả có ủng hộ tên rapist hay không, thì với cách viết này, tác dụng cũng sẽ y hệt mấy bộ ngược có HE với rapist khác.

Khi độc giả có xu hướng coi bạo hành là bình thường -vì xuất hiện quá nhiều trong truyện, lại thêm thiếu đồng cảm với nữ chính, thì việc quay qua yêu tên rapist cũng là dễ hiểu thôi.

III. MIÊU TẢ NỖI ĐAU KHÁC VỚI MIÊU TẢ CẢNH BẠO HÀNH:

Có một số khái niêm thường đi cùng nhau đến nỗi ta nhầm tưởng chúng là một, trong khi thực ra không phải. Ở đây cũng vậy. Việc miêu tả cảnh bạo hành không hoàn toàn đồng nghĩa với miêu tả nỗi đau của nhân vật.

Bạn có bao nhiêu sự thương xót khi nhìn thấy một nhân vật phụ bị đánh đập tàn nhẫn? Không quá ấn tượng, phải không? Nhưng vì sao? Vì bạn chẳng có một sự kết nối nào về cảm xúc lẫn hoàn cảnh của nhân vật đó cả. Anh/cô ta là ai? Ở đâu? Gia cảnh thế nào? Họ có suy nghĩ gì? Hoài bão, ước mơ gì? Họ cảm thấy thế nào khi bị đánh? Họ suy nghĩ, đau đớn thế nào sau khi bị đánh? Tóm lại, chính việc phân tích tâm lí nhân vật mới là thứ giúp độc giả thấu hiểu và cảm thông với nhân vật, chứ không phải do “được” nhìn thấy cảnh bạo hành.

Việc miêu tả nội tâm có tác dụng rất lớn để khiến người đọc đồng cảm với nhân vật. Không làm được điều đó, thì có nhồi nhét vào bao nhiêu khổ đau cũng vô dụng, thậm chí còn phản tác dụng. Khi nhồi nhét quá nhiều, thay vì tạo ra sự đồng cảm, nó lại tạo ra sự lãnh cảm ở cả độc giả lẫn tác giả về nhân vật đó. Tại sao rất nhiều bộ ngôn tình đưa tình tiết rape vào, nhiều đến mức tàn bạo, nhưng không những không khiến độc giả thương xót nhân vật, mà còn khiến họ cảm thấy nó rất… bình thường? Đơn giản thôi. Bạn nhìn lại xem, bao nhiêu tác phẩm trong số đó đề cập đến vấn đề tâm lí của nạn nhân? Bao nhiêu nhắc đến mặc cảm tội lỗi và chứng PTSD ( rối loạn căng thẳng sau chấn thương)? Gần như không có, đúng không?

Hãy thử so sánh cách viết của Bối Hân với Nấm-Sudo ( FSN):

1/ Vật trong tay:

Bối Hân nhồi vào truyện rất nhiều cảnh rape và NTR. Những cảnh này còn nhiều hơn cả những đoạn viết về tình cảm giữa vợ chồng nhân vật Hà Nghiên – Viễn Trạch. Mà đến khi viết thật, thì nó cũng như vầy:

“ Có lẽ trên thế gian này hiếm có cặp đôi nào như họ. Lúc bên nhau thì tương thân tương ái, lúc chia tay lại không cãi vã ồn ào, ly hôn một cách rất lịch sự. Anh đã làm như đã hứa với cô. Nếu cô không còn yêu, anh sẽ để cô đi, bởi vì anh vẫn còn yêu cô. Từ cục dân chính đi ra, hai người đứng bên vệ đường. Cô nói: “Bởi vì không còn yêu cho nên chúng ta không thể làm bạn, hãy cắt đứt liên lạc và coi nhau như kẻ xa lạ.”

“Làm sao xóa được ký ức, tẩy sạch trí nhớ đây?”. Lương Viễn Trạch cười yếu ớt, chìa tay về phía cô: “Hà Nghiên, nếu em có thuốc xóa được ký ức, hãy cho anh hai viên?”

Hà Nghiên không trả lời, gạt lệ xoay người bỏ đi, bước nhanh về phía trước, không dám quay đầu, không dám dừng lại, tâm trí không ngừng thì thầm: “Viễn Trạch, anh sống cho tốt nhé, anh phải sống thay em, sống dưới ánh mặt trời, chờ em, chờ em trở về. Nếu khi ấy anh vẫn ở đây, chúng ta sẽ lại ở bên nhau.”

Còn bây giờ, mỗi bước em rời xa anh, anh sẽ được an toàn.”


Hoặc là như vầy:

“ Cô vẫn nhớ lần đầu **ên gặp Lương Viễn Trạch, khi ấy cô mới bước chân vào đại học, xinh đẹp và tự tin nên được nhà trường mời tham gia bữa tiệc chào đón sinh viên mới, ở đây cô đã nghe thấy tiếng hát của Lương Viễn Trạch vang lên trên sân khấu.

Anh mặc áo sơ mi trắng, quần jeans đơn giản, ngồi trước cây đàn piano ở góc sân khấu, hát một bài tiếng Anh cũ. Thật ra, anh hát không quá hay, cũng không đến mức cảm thấy quá tệ, nhưng cô vẫn chăm chú ngắm anh, nhìn các ngón tay thon dài lướt trên bàn phím, nhìn anh lắc lư cơ thể một cách nhẹ nhàng, thong dong hát ca khúc.

Cho đến khi anh bước xuống, những tràng pháo tay bất chợt vang lên mới khiến cô bừng tỉnh. Cô chạy tới, đứng dưới khán đài ngăn anh rời đi, không chút ngượng ngùng tự giới thiệu: “Chào anh, em là Hà Nghiên, chúng ta có thể kết bạn không?”

Anh ngạc nhiên, sau đó đỏ mặt.

Cơ thể Hà Nghiên thoáng run rẩy, cô không dám hồi tưởng, cắn chặt môi, ngăn tiếng khóc sắp bật ra. Không được khóc, không được khóc, khóc có tác dụng gì đâu? Khóc có thể đổi lấy ngón tay cùa Lương Viễn Trạch, có thể đẩy Phó Thận Hành xuống địa ngục sao? Không thể, thút thít nỉ non chỉ thể hiện sự yếu ớt, tâm trạng phẫn hận của cô mà thôi. Cô hận, vô cùng căm hận, nhưng sự căm hận của cô không cần phải thổ lộ, mà cần phải trả thù.

Đúng vậy, cô muốn bảo thù, muốn đầy Phó Thận Hành xuống Địa Ngục, phải khiến hắn mất tất cả, thống khổ tuyệt vọng, sống không bằng chết.”


Nói sao nhỉ? Chẳng biết tôi bị lãnh cảm thế nào. Nhưng đọc một hồi cũng chỉ hiểu “ cô A yêu anh B” chứ không hề cảm được tình yêu đó. Cũng bởi vì thất bại khi cố miêu tả tình cảm vợ chồng của nữ chính, nên đến ending, nhiều độc giả lại luyến tiếc vì sao cô ta không…đáp lại tình cảm của tên rapist?

2/ FSN:


Cách làm của Nấm và Sudo thì ngược lại. Thay vì miêu tả cảnh bạo hành, họ lại tập trung khắc hoạ tâm tư của nữ chính Sakura, cũng như tình cảm của cô ta dành cho Shirou.
VD:

  • Cảnh nhà kho-ngày 6:
    Trong nhà kho, một đôi trai gái cùng bật chiếc lò sưởi cũ.Họ quây quần ngồi tâm sự bên ánh lửa leo lét của lò sưởi, trong khi mây đen đang phủ kín bầu trời. Cái hình ảnh ẩn dụ đó chính là hai câu trong bài hát ending:


“ Trong cái thế giới mà em từ bỏ, anh đã thắp lên một nguồn ánh sáng.”

= > Ẩn dụ nhẹ nhàng nhưng đủ để truyền tải cảm xúc.

  • Cảnh đêm mưa – ngày 9:
    Cả người nữ chính run rẩy vì lạnh và vì sợ. Đây là phân đoạn cô ta chính thức bày tỏ tình cảm với người yêu:


“Nhưng em không thể …! Cả người em run lên khi nghĩ đến điều đó, nó thực sự rất đáng sợ. Nó còn đáng sợ hơn cả những khi em kề dao vào cổ tay mình, và em không thể ngăn mình đến nhà anh. Em sợ phải lừa anh, em sợ không được lừa anh nữa, và mọi thứ xung quanh em thật đáng sợ. Em không thể cử động một chút nào và em không biết mình phải làm gì…!
“… Em thật ngu ngốc, đúng không? Cuối cùng thì anh cũng sẽ phát hiện ra. Nhưng bây giờ đã quá muộn, và em không bao giờ có thể đến nhà anh nữa…”

  • Cảnh vĩnh biệt – ngày 13:
    Phân đoạn này tập trung miêu tả không chỉ tình yêu mà còn cả cách nữ chính tôn thờ mà muốn hy sinh cho nam chính như thế nào:


“Cô gái, Matou Sakura, đau đớn rên rỉ trong bóng tối.
Cô ấy không ngủ.
Cô chỉ giả vờ ngủ để chàng trai, người còn mệt mỏi hơn cô, có thể nghỉ ngơi.

Chàng trai đã ôm lấy cô.
Chàng trai vẫn ôm lấy cô.
Cả hai đều biết họ không có tương lai.
Nhưng anh vẫn vòng tay ôm cô, dù biết rõ rốt cuộc điều gì đang chờ đợi họ.
Chàng trai ấy vẫn quyết tâm.
Vòng tay ôm ấp của anh nói với cô rằng anh sẽ chấp nhận mọi tội ác mà cô đã và sẽ phạm phải.

Điều mà cô ngưỡng mộ.
Cô cuối cùng đã hiểu.
Vì sao cậu bé ấy tuyệt đẹp trong mắt cô đến vậy.
Cậu ấy khác hẳn kẻ hèn nhát như cô.
Cô ước rằng cậu ấy có thể giữ vững tính cách ấy nổi bật ấy.

Phải, cô ấy nhớ.
Cô muốn bảo vệ anh.
Cô muốn bảo vệ cậu bé ấy.
Cô ấy muốn bảo vệ cậu bé vụng về nhưng ngay thẳng mà cô từng bắt gặp dưới ánh hoàng hôn ngày nọ.

Và rồi.
Cô gái dùng đến giải pháp cuối cùng.

Cô gái ôm lấy ngực mình và cất tiếng ho.
Ánh mắt cô bừng sáng trong đêm tối.
Một đôi mắt yếu ớt, nhưng tràn ngập quyết tâm của một người….”

= > Tác dụng: Sau khi đã khiến người đọc đồng cảm với tình cảm của nhân vật, tác giả chẳng phải ngồi miêu tả chi li chuyện đó đã xảy ra như thế nào nữa ( dù 11 năm của nữ chính bộ này thì mấy nữ chính ngôn tình phải bái làm sư phụ). Tất cả những cảnh bạo hành mà các bộ khác có khi viết đến vài chục trang, Nấm chỉ phải gói gọn trong vài câu nói và một tràng cười của hắn:


“ Nào, dạng đôi chân bẩn thỉu của mày ra như mày vẫn làm đi. Đồ chó cái.
Mày đâu cần quan tâm là chó hay người “ chơi” mày. Phải không? Việc duy nhất mày có thể làm chỉ là “ tiếp” đàn ông thôi.”

Chỉ cần để tên tóc tảo bẹ nói vài câu khi blackmail nữ chính là quá đủ để độc giả bùng nổ. Chỉ tính riêng phản ứng trên Zhihu:

  • Có người đòi băm vằm hắn thảy cho chó ăn.
  • 1 người khác ngồi trích lại từng câu văn trong truyện để ném đá hắn.
  • 1 người khác ném luôn chính tác giả vì đã nói đỡ rằng hắn “ chỉ là người bình thường”. “” Người bình thường” nào lại đi thảm sát cả trường học và rape cả em gái mình? Ông đang sỉ nhục tất cả những NGƯỜI BÌNH THƯỜNG đó.”.

Rõ ràng, tác dụng nó ngược lại hoàn toàn chuyện tác giả “ Vật trong tay” đòi trừng trị tên Hành, nhưng lại bị độc giả…ném đá, phải không?

IV. KẾT LUẬN:

Tóm lại, tôi nghĩ vấn đề ở đây là có một quan niệm sai lầm trong cách thể hiện câu chuyện. Hiện tại, nó ko chỉ ám vào ngôn tình nữa, mà đã lan ra nhiều thể loại khác. Điều tệ nhất là một số tác giả Việt cũng bắt đầu chịu ảnh hưởng từ trào lưu này.

Trong khi một số tác giả ý thức được mục đích của mình ( Goblin Slayer dùng cảnh rape để câu khách, để tác giả có thời gian chứng tỏ tính độc đáo của cốt truyện). Một số khác nhồi cảnh bạo hành vào truyện như một thứ bản năng, hoặc một phong trào thời thượng, nhưng không có mục đích hoặc hiệu quả gì rõ rệt. Tệ hại hơn, một số tệ nạn kinh khủng ngoài đời thực, lại được tái hiện liên tục và bình thường hoá trong các tác phẩm, đến độ một lượng lớn độc giả không chỉ hiểu lầm mà còn lãnh cảm luôn khi nghe nhắc đến nó. Vì thế, lạm dụng cảnh bạo hành trong truyện không chỉ khiến tác phẩm trở nên dở và kinh tởm, nó còn là sự xúc phạm đối với các nạn nhân ngoài đời thực.

Bình luận về bài viết này