NGUYỄN DU SỬA TRUYỆN KIỀU – NHÂN ĐẠO HAY DUY CẢM? ( PHẦN 2- CUỐI)

I. HAI ĐỨA CON CƯNG:

  1. Từ Hải:

Không rõ vì lý do gì, Nguyễn Du đặc biệt “chiếu cố” Từ Hải. Ngoài đời thực, tên này kỳ thực là một cục nợ đời. Lúc cần hắn giúp thì hắn chẳng thấy đâu. Ngược lại, hắn đã bắt Kiều – Nguyên Bản trong khi đang cướp bóc, khi cô đã tự trốn khỏi lầu xanh từ lâu và đang sống cuộc sống yên bình. Tuy Kiều – Nguyên Bản không ghét hắn lắm, nhưng hắn kỳ thực là kẻ đã lái cô thẳng xuống sông Tiền Đường ( và chết luôn dưới đó). Qua thời gian, thị hiếu đổi thay, góc nhìn về bọn cướp biển cũng đổi khác. Sau 100 năm, cướp biển giờ đây được đánh đồng với phong trào ái quốc của Trịnh Thành Công ( một người dính đến cướp biển) và được nhìn nhận theo hướng tích cực.

Thế nhưng, chính Nguyễn Du mới là người đẩy Từ Hải lên một tầm cao mới. Từ một tên tướng nổi loạn, ông biến hắn thành nguồn ánh sáng duy nhất trong thế giới Truyện Kiều. Từ một đám quân đi đến đâu là đâm chém giết hiếp đến đó, Nguyễn Du tả chúng thành đội quân chính nghĩa. Đều bất mãn xã hội sâu sắc, nhưng Thanh Tâm vẫn giữ lại phần nào bản chất hung ác của đội quân Từ Hải. Còn Nguyễn Du, ông tẩy trắng sạch sẽ, biến hắn thành một ước mơ, một đấng cứu thế, một con người toàn thiện.

Tranh vẽ bọn Oa Khấu – ” Từ Hải ngoài đời thật” đang vơ vét, cướp bóc và hãm hiếp.

Từ khi Từ Hải xuất hiện, Nguyễn Du dồn hết bút lực miêu tả hùng khí của nhân vật này. Lời khen ngợi các nhân vật khác thế nào cũng kèm lời khen hắn:


“ Tấm lòng nhi nữ cũng xiêu anh hùng.”
“ Người quốc sắc,kẻ thiên tài.”

Tất cả các nhân vật còn lại của truyện Kiều nhắc đến Từ Hải đều nhất loạt ca ngợi hắn.
Thúc Sinh thì:

“ Đại vương tên Hải họ Từ
Đánh quen trăm trận, sức dư muôn người
Gặp nàng thì ở châu Thai
Lạ gì quốc sắc, thiên tài phải duyên.”

Hồ Tôn Hiến thì:


“ Biết Từ là đấng anh hùng.”

Nhưng cái gì làm quá cũng phản tác dụng. Nâng Từ Hải cao quá thì…kết làm sao?

Trong lịch sử, Kiều – Nguyên Bản muốn Từ Hải thua bại để tìm đường về nhà. Trong nguyên tác, Kiều muốn Từ Hải và đám quân của hắn đầu hàng để tránh cảnh binh đao. Nhưng Từ Hải của Nguyễn Du là anh hùng cứu thế, đội quân chính nghĩa, làm sao có thể đầu hàng triều đình thối nát được?

Thế là Nguyễn Du cứ đăm đăm chiêu chiêu,cuối cùng “ Quyết tình Du mới nghĩ ra một bài”. Đó là… lôi cô Kiều ra làm bia đỡ đạn. Ông đã sáng tác ra bốn câu thơ “ thuần Việt” 100% để giải thích nguyên nhân Từ Hải đầu hàng như sau:

“ Lại riêng một lễ với nàng:
Hai tên thể nữ, ngọc vàng nghìn cân”
“ Nàng thì thật dạ tin người
Lễ nhiều, nói ngọt, nghe lời dễ xiêu”

Cần nói luôn là chi tiết này chẳng những không có trong nguyên tác, mà thậm chí còn không đúng với người thực ngoài đời. Nói ngắn gọn, để bảo vệ Từ Hải, Nguyễn Du chẳng ngần ngại mà đẩy Kiều ra làm bia cho thiên hạ ném đá suốt 200 năm.  Từ chỗ bám váy Kiều để nhận lòng thương hại của dư luận, Từ Hải lột xác ngoạn mục. Giờ đây nữ chính diện biến thành nữ phản diện, còn kẻ đẩy người ta xuống sông giờ biến thành anh hùng cứu thế nhưng vô phúc bị sa cơ.

Nguyễn Du nhân đạo? Đừng là tôi cười chứ.

  1. Hoạn Thư:
    A. Hoạn Thư trong nguyên tác:

Đây nhiều khả năng là một nhân vật được Thanh Tâm tạo ra để trút nỗi căm thù với tầng lớp quan lại. Hoạn Thư vốn không phải tên người, mà chỉ là viết tắt của “ Hoạn tiểu thư”, tức “ tiểu thư nhà quan” mà thôi. Qua phần truyện về cô ta, tác giả đã phơi bày những gì đang diễn ra trong cánh cửa phủ đệ giới quan lại.

Trong nguyên tác, Ưng, Khuyển không phải chỉ là gia nhân, chúng kỳ thực là…hai tên cướp biển ( “ cùng với Từ Hải vốn là “ đồng môn””=)) ). Hai tên này bị truy nã, bèn chui vào nhà Hoạn Thư, được chúng che chở, rồi trở thành tay sai đắc lực, chuyên làm việc ác. Kiều bị vu oan đã bị sai nha phá tan nhà cửa, còn quan lại thì nuôi cả cướp trong nhà, chẳng ai hỏi đến.

Hoạn Thư thì được khắc hoạ rất tương đồng với mẫu nhân vật “ nữ giả vờ không phải tiện nhân” bây giờ.

Xúi mẹ sai Ưng, Khuyển đi đốt nhà bắt người là ả.

Xúi mẹ bắt về phải đánh phủ đầu ngay, vẫn là ả.

Bắt Kiều quỳ để hạch tội, ả nốt.

Vờ cho Kiều đi chép kinh, rồi mật phục bắt quả tang Kiều – Thúc gặp nhau.

Cho đến cả việc sai người rượt theo Kiều đã bỏ chạy để thủ tiêu, cũng ả nốt.

Mẹ con ả, trong nguyên tác còn được khắc hoạ qua việc ra lệnh nhổ răng, vả miệng gia nhân để ra oai. Đã thế còn để đời một câu nói như sau về giá trị của mạng người:

“ Chết vài tên gia nhân, đối với tao bất quá chỉ như bứt vài cọng lông trên tấm thảm mà thôi.”

Cần nói luôn cái thứ “ tình nghĩa mặn nồng” giữa Thúc – Hoạn. Đây kỳ thực là mối liên kết tiền – quyền phổ biến đương thời. Giàu mà không có quyền lực thì chẳng khác gì mang bùa đòi mạng, nhiều thương nhân thời Minh-Thanh tồn tại bằng cách kết thông gia với nhà quan. Mang tiếng thông gia, nhưng họ bị khinh bỉ, bòn rút đủ đường. Bù lại, họ nhận được sự bảo kê, khỏi cái cảnh “ rường cao rút ngược dây oan.”. Bởi vì thế, Thúc ông, Thúc Sinh nhắc đến Hoạn Thư, sợ nhiều hơn yêu. Hoạn Thư cũng chẳng nể nang gì. Khi nghe Thúc Sinh nói dối rằng khóc vì nhớ người mẹ đã mất, cô ta chì chiết “ cậu thật là người con có hiếu”. Cha mẹ chồng dưới mắt cô ta chẳng có mấy giá trị. Ngay cả chuyện bắt Kiều về cũng không hẳn vì ghen tuông. Hoạn Thư giận thật ra là vì tự ái, khi thấy Thúc Sinh lén vợ cả đi cưới vợ lẽ mà không báo, làm mất mặt mình.

Nói như thế không có nghĩa là Hoạn Thư nguyên bản chỉ có tính xấu. Cô ta cũng có một số tính tốt. Khi thấy Kiều suýt sai người đánh mẹ, cô ta ôm mẹ thú tội rồi xin chịu đòn thay. Khi nghe Kiều thét chém đầu bọn Ưng, Khuyển, cô ta cũng xin tha cho chúng, vì nghĩ rằng sai chúng đi là lệnh của mình. Nói ra, Hoạn Thư của Thanh Tâm không phải đáng đồng cảm vì “ chồng chung ai dễ ai nhường cho ai”, mà vì cô ta cũng là người hiếu thảo và thành tâm nhận lỗi.

B. Hoạn Thư của Nguyễn Du:

Sang đến Nguyễn Du, ông đã làm một cuộc tân trang toàn diện cho nhân vật này. Biện pháp rất đơn giản, xoá sạch mọi chi tiết có thể khiến độc giả ấn tượng xấu với Hoạn Thư. Khi cần, sẵn sàng… đẩy Kiều ra đỡ đạn.

  • Thúc ông bắt Thúc Sinh bỏ Kiều vì sợ Hoạn Thư. Nguyễn Du xoá, đổi thành vì khinh Kiều là gái lầu xanh.
  • Xuất thân bất hảo của bọn Ưng, Khuyển. Nguyễn Du xoá thẳng.
  • Hoạn Thư ngầm bảo mẹ đánh phủ đầu Kiều. Nguyễn Du xoá nốt, vờ làm như đó là hành động bộc phát của Hoạn phu nhân.
  • Hoạn Thư bắt Kiều quỳ gối tra hỏi. Nguyễn Du xoá luôn.
  • Lời nói tỉnh rụi coi mạng người như cỏ rác. Nguyễn Du quyết không chừa lại.
  • Sai người rượt theo thủ tiêu Kiều. Nguyễn Du quyết chẳng để một dòng.

Tại buổi báo ân báo oán, Hoạn Thư của Nguyễn Du dõng dạc tự biện hộ, nói dối không thèm chớp mắt. Cái mối hôn nhân tiền – quyền đầy vụ lợi, được cô ta thăng lên làm tình yêu và “ ghen tuông sự thường”. Điều kinh dị ở đây là, sau khi biện hộ cho mình thành công và được Kiều thả đi, cô ta nhanh chóng biến thẳng, mặc xác cho hai tên Ưng, Khuyển ra sao thì ra. Một con cáo già chính hiệu.

Màn trình diễn của Hoạn Thư – Nguyễn Du một lần nữa củng cố cho một mệnh đề phũ phàng: làm người tốt chẳng bằng làm người xấu mà tránh bị phát hiện. Nguyễn Du đâu có làm gì to tát, ông ta chỉ giấu sạch chuyện xấu của Hoạn Thư đi mà thôi. Vậy mà suốt 200 năm nay, người Việt tin sái cổ vào sự “ nhân đức”, “ vừa phải”, “ thường tình” của Hoạn Thư – Nguyễn Du. Thậm chí có người ngây thơ đến độ bảo cô Kiều ngu ngốc mới bỏ am thờ mà chạy.

Giải thích thế nào về sự tẩy trắng một cách cố ý và toàn diện này? Có người nói Nguyễn Du…tiến bộ, cảm thông cho nỗi đau của người phụ nữ. Thế thì cứ giữ nguyên các chi tiết. Đoạn cuối chỉ cần đổi lại thành Kiều thả Hoạn Thư đi sau khi cô ta đã nói lời xin lỗi.Có gì mà nặng nhọc. Còn cách làm của Nguyễn Du, giống như là sợ người ta ghét Hoạn Thư vậy. Đổng Văn Thành nói mò nhưng tôi nghĩ là ông ta nói…đúng. Nguyên nhân có khi chẳng có gì sâu xa hay nhân đạo. Nguyễn Du là Hoạn Thư đều xuất thân tầng lớp quan lại cao cấp, đồng bệnh tương lân, bao che nhau là sự thường.

II. HAI ĐỨA CON GHẺ:

  1. Thúc Sinh:

Trong nguyên tác, Thúc Sinh dù chẳng được Thanh Tâm ưa lắm, nhưng cũng không đến nỗi nào. Cần nhớ rằng, thương nhân thời đó chuộc kỹ nữ về làm vợ lẽ, thì kỳ thực chỉ là để đi tiếp khách xã giao mà thôi. Thế nhưng Thúc Sinh không đối xử với Kiều như thế, đủ nói tình cảm của anh ta là chân thật.

Trước thế lực du đãng, Thúc Sinh có thừa bạn bè để chống lại và che chở Kiều. Nhưng trước thế lực quan quyền, anh ta co rúm người lại, chỉ dám giúp ngầm. Thúc Sinh không dám thú nhận sự thật trước Hoạn Thư, nhưng lại là người bày cho Kiều lấy chuông vàng khánh bạc làm lộ phí để bỏ trốn. Kiều bỏ chạy, Hoạn Thư sai người đuổi theo, dán giấy truy nã khắp nơi. Thúc Sinh ngầm sai người xé hết giấy đi, lại bảo Hoạn Thư tha cho Kiều. Chuyện truy sát mới ngừng lại.

Vợ chồng với nhau, không có tình thì cũng còn cái nghĩa. Trước buổi báo ân báo oán, Thúc Sinh nói dối Kiều rằng Hoạn Thư ngày xưa đã thả cô ta đi. Kiều tưởng thật, cảm thấy mình mắc nợ Hoạn Thư nên không giết, chỉ đánh đòn rồi tha về. Nói chung, Thúc Sinh hèn thì có hèn thật, nhưng không đến nỗi tán tận lương tâm. Giờ phút nguy cấp vẫn cố giúp đỡ cả hai bà vợ, nhường công để cứu người.

Sang đến Việt Nam, không biết Nguyễn Du có thù oán gì với thương nhân không mà dìm Thúc Sinh bạt mạng. Từ đầu tới cuối, ông cho Thúc không khóc thì run. Kiều cầu cứu, Thúc rũ áo trốn tránh:


“ Liệu mà cao chạy xa bay
Ái ân ta có ngần này mà thôi.”


Nhờ ơn sự “ sáng tạo” của ông, việc Kiều lấy chuông vàng khánh bạc làm lộ phí dưới sự cho phép của Thúc Sinh, đùng một cái biến thành…ăn trộm.

Đoạn báo ân báo oán, thì Thúc Sinh run như cầy sấy, chẳng nói được một lời.


“ Cho gươm mời đến Thúc lang
Mặt như chàm đổ, mình dường giẽ run”


Và hiển nhiên, cái công thả Kiều đi của anh ta, Nguyễn Du chuyển sang cho Hoạn Thư để tô thêm tiếng tốt cho nhân vật này.

  1. Kiều – Nguyễn Du:

Đây là nhân vật chính của cả câu chuyện, người được Nguyễn Du thương khóc nhiều nhất, cũng là người bị ông ngầm dìm hàng, phỉ báng số một.

Hết bị chế thêm chi tiết để cho quan đánh đòn tơi tả, lại đến chuyện bị vu thành ăn trộm. Khả năng suy nghĩ, phân tích thì bị xoá sạch. Ba lần răn cấm quân Từ Hải cướp phá thì bị xoá hết, nhưng về sau lại được tặng cho chi tiết…tham tiền hối lộ, xúi nhầm Từ Hải đầu hàng. Đoàn tụ thì chưa kịp khóc đã suýt bị dán mác “bất hiếu”. Về lấy chồng được vài câu thơ đã được nghe chì chiết “ vợ lớn vợ bé”.

Rốt cuộc, Nguyễn Du “ nhân đạo” kiểu gì mà sẵn sàng bôi tro trát trấu lên mặt một nhân vật có số phận đã quá bi thảm trong nguyên tác. Cô Kiều – Nguyên Bản có sống lại, đọc bản của Thanh Tâm đã đủ nhăn mặt rồi,đọc đến bản Nguyễn Du chắc phải ngất xỉu luôn. Đã thế, cái lý do bôi trấu đó một phần nhiều chỉ là để tẩy trắng cho những nhân vật ít bi thảm hơn?

Rõ ràng không thể hoàn toàn đổ thừa cho độc giả Việt suốt 200 năm nay về chuyện không thông cảm cho cô Kiều. Sự kỳ thị là có thật. Nhưng một phần rất lớn nữa, là cô Kiều – Nguyễn Du đã bị tác giả cố tình bôi bác, gây mất thiện cảm ngay từ đầu.

Vậy, khi viết Truyện Kiều, Nguyễn Du là một tác giả nhân đạo hay chỉ đơn thuần chạy theo yêu ghét, thiên vị cá nhân? Phải nói là, ngay từ đầu, ông ta có viết tác phẩm này một cách nghiêm túc không đã?

NGUYỄN DU SỬA TRUYỆN KIỀU – NHÂN ĐẠO HAY DUY CẢM? ( PHẦN 1)

Nguyễn Du khi viết lại Truyện Kiều đã thêm vào bớt ra nhiều chi tiết từ lặt vặt đến quan trọng. Vấn đề là rất nhiều khi ông không quan tâm gì đến việc thay đổi tổng thể câu chuyện để thích nghi với sự thêm bớt đó. Kết quả của chuyện “ tỉa cành mà không nhìn tổng thể cái cây” này đã gây ra rất nhiều chi tiết khó hiểu trong bản của Nguyễn Du. Một vài chi tiết trong đó còn gây tranh cãi đến tận 200 năm sau.

I. GIA CẢNH TRONG TRUYỆN KIỀU

Trong bản của Thanh Tâm, gia cảnh Kiều được mô tả khá rõ:

– Ông Vương là viên ngoại, gia cảnh thường thường bậc trung.

– Gia đình không có người hầu kẻ hạ. Tiệc bày cho Kim Trọng ăn là Kiều tự nấu lấy.

– Căn nhà ở phố thị, vốn là một căn biệt thự được nhà giàu nào đó ngăn vách chia ra rồi bán lại.

– Nhà chỉ đủ ăn đủ mặc. Sai nha vét nhà chẳng có cái gì đáng giá, phải vét tạm…quần áo mang đi. Vì thế, chúng mới gợi ý cô Kiều bán mình kiếm thêm tiền nộp cho chúng.

Với gia cảnh như thế này, hạ sách bán mình là việc hợp logic, có thể hiểu được.

Sang bản Nguyễn Du, ông cực kỳ khoa trương về xuất thân cô Kiều. Ngồi tả một cô gái thuộc gia đình “ thường thường bậc trung”, nhưng ông cứ viết thành một tiểu thư khuê các, lúc nào cũng bay bổng trong một cái nhà to như…phủ đệ Nguyễn Khản. Ví dụ nhưng ông đã làm người đọc tưởng nhầm cái vườn nhà Kiều rất rộng thế này:

“ Cửa ngoài vội rủ rèm the

Xăm xăm băng lối vườn khuya một mình”

Do sự thay đổi này mà người Việt mất 200 năm gây lộn nhau về một chuyện không đáng: Nhà giàu thế sao không bán ruộng vườn mà bán mình làm gì?

Cái đó đi mà hỏi Nguyễn Du để biết thêm chi tiết.

II. CẮT ĐOẠN NÀY NHƯNG ĐỂ LẠI ĐOẠN KIA:

Nguyễn Du không có hứng thú gì lắm với những đoạn cô Kiều suy tính, ứng phó trước các tình huống. Vì nhiều lý do ( đặc biệt là để giữ thể diện hai đứa “ con cưng đích thực” trong truyện), ông thường cho cắt sạch gần hết các phân đoạn cô thể hiện sự lanh lợi của mình. Liệt kê ra thì dài dằng dặc:

– Suy tính, mặc cả việc bán mình chuộc cha.

– Suy tính việc trao duyên.

– Cùng Chung Sự đi lót tiền chuộc cha về.

– Phân tích những điểm bất thường về “ phú ông” Mã Giám Sinh.

– Tranh cãi với quan huyện về chuyện mình làm lẽ.

– Hoài nghi việc đã một năm trời mà Hoạn Thư không liên lạc với Thúc Sinh.

– Nghi ngờ bọn Bạc Bà, Bạc Hạnh.

– Cấm lệnh bọn binh sĩ của Từ Hải không được giết chóc dân chúng.

– Phân tích cho Từ Hải thấy đầu hàng là hợp lí.

Ông cắt gần hết các phân đoạn trên ( trừ đoạn về Mã Giám Sinh), thay vào truyện nhiều phân đoạn Kiều độc thoại nội tâm thương nhớ gia đình và xót xa thân phận mình. Thật ra thay đổi không phải là vấn đề. Vấn đề là thay đổi xong, ông vẫn giữ nguyên mấy lời khen ngợi:

“ Thông minh vốn sẵn tính trời.”

“Cướp công cha mẹ, thiệt đời thông minh.”

“ Thúy Kiều sắc sảo khôn ngoan”

Để rồi đến nỗi người đọc không hiểu nổi Kiều thông minh chỗ nào mà Nguyễn Du cứ khen hoài?

Thỏi bạc 50 lượng – hiện vật của Trung Quốc

Chuyện tiền bạc cũng là một điều đáng bàn. Nguyễn Du rất thích dùng lượng vàng, trong khi bản gốc chỉ dùng đến lượng bạc. Điều này đôi khi khiến câu chuyện trở nên kỳ cục một cách không đáng có.

Ví dụ. Kiều thực tế chỉ bán mình được 450 lạng bạc. Nhưng Nguyễn Du viết khống lên thành “ vàng ngoài bốn trăm”. Nghĩa là, nếu chỉ xét theo thời giá nhà Minh, thì giá trị tăng lên gấp…7, thậm chí gấp 10. Rồi rồi, cứ cho rằng bản Nôm xưa viết “ vâng” thay vì “ vàng” đi, nhưng cũng có khác biệt gì đâu khi đến đoạn giao tiền Nguyễn Du vẫn viết:

“𠃅𡢐户馬𣃣𨖅

Mái sau họ Mã vừa sang,

詞花㐌記斤買𢭂

Tờ hoa đã ký, cân vàng mới trao.”

Sửa “ bạc” thành “ vàng” không phải là vấn đề. Vấn đề là đến đoạn Kim Trọng trở về thì Nguyễn Du vẫn giữ nguyên tình tiết. Gia đình Vương ông vẫn sa sút, vẫn “ may thuê viết mướn” theo đúng bản Thanh Tâm. Không hiểu 3000-4000 lượng bạc ( chưa trừ 300 lạng hối lộ) nó bốc hơi chỉ trong vài tháng bằng cách nào mà gia đình này nghèo nhanh như vậy?

III. TÙY TIỆN SỬA ĐỔI TÌNH TIẾT:

Ngoài mặt, Nguyễn Du tỏ vẻ thương xót cô Kiều. Nhưng nếu so sánh hai bản, thì dường như ông có xu hướng thích hành hạ cô Kiều còn nhiều hơn cả Thanh Tâm. Khi không có cơ hội để “ hành”, thì ông tự vẽ ra thêm. Đó là chi tiết ông quan thứ hai ( “ mặt sắt đen sì”) trong truyện:

– Trong KVKT đây là một vụ án dân sự phi lý ngay từ đầu. Thúc ông vì quá sợ bị nhà Hoạn Thư hỏi tội, nên đánh trống năn nỉ quan phủ bắt Thúc-Kiều bỏ nhau. Ông quan hỏi cô vợ lẽ ở nhà suốt một năm, có làm gì bại hoại gia phong không? Thúc ông thừa nhận là không có. Hiểu ra sự việc, quan cho mời hai vợ chồng đến.

Giữa công đường, Kiều tranh cãi với quan, rõ ràng luật lệ làm gì có điều nào cấm chồng đi lấy vợ lẽ? Mà làm gì có luật nào tự dưng bắt phụ nữ tống vào lầu xanh? Không chỉ tranh cãi, cô còn nghe lời khích bác của quan mà làm thơ đáp. Quan lại lấy cớ đó, khen ngợi, rồi an ủi Thúc Ông, lại sai người thuê kiệu cưới cho hai vợ chồng ra về.

– Trong bản của Nguyễn Du, ông quan đùng đùng nổi giận, mắng như trút nước hai vợ chồng. Rằng Thúc Sinh là kẻ “chơi bời”, “ đong đưa”, Kiều là “ gái lầu xanh”. Nghĩa là nói vòng nói vo nhưng chắc chắn không nói một điều nào trong…luật. Rồi, quan túm cô Kiều ra đánh té tát:

“Ba cây chập lại một cành mẫu đơn.

Phận đành chi dám kêu oan,

Đào hoen quẹn má liễu tan tác mày.

Một sân lầm cát đã đầy,

Gương lờ nước thủy mai gầy vóc sương.”

Đánh người đến suýt chết xong. Quan lại nghe Thúc Sinh khóc bảo Kiều tài lắm, nên bảo cô làm thư xem thử. Xem thơ xong, quan thích quá, liền ca tụng hết lời, lại còn sắp sửa kiệu hoa cho về:

“Kíp truyền sắm sửa lễ công,

Kiệu hoa cất gió đuốc hồng điểm sao.

Bày hàng cổ xúy xôn xao,

Song song đưa tới trướng đào sánh đôi.”

= > Cả phân đoạn gần như y hệt. Nguyễn Du chỉ sửa lại chi tiết Kiều và quan tranh cãi về luật pháp, đổi thành quan đánh mắng Kiều té tát. Còn lại những chi tiết trước và sau đó đều giữ nguyên, mặc kệ logic bị xáo trộn. Vị quan từ một người biết nói phải trái, giờ biến thành một gã thần kinh. Lúc thì đùng đùng nổi giận, đánh người đến muốn bất tỉnh. Lúc thì vui vẻ, ca tụng nhiệt liệt, sắm sửa tung hoa tiễn vợ chồng về.

Điều kinh dị ở chỗ, rõ ràng đã tự bịa ra một cái cớ để hành hạ nhân vật, nhưng Nguyễn Du viết về cảnh Kiều bị đánh bằng một giọng thơ rất bi thương. Nói cách khác, là kiểu mèo khóc chuột vô cùng quái dị. Vì sao ông không buồn xây dựng lại cả phân đoạn cho hợp lí với tình tiết mới? Rốt cuộc ông ta thêm vào cảnh đánh roi để làm gì? Ông ta muốn mỉa mai quan lại Việt Nam ư? Hay đơn giản là thèm được hành hạ nhân vật của mình?

Điều lố bịch hơn nữa là suốt 200 năm, cái ông quan mắc chứng thần kinh này được độc giả người Việt nhìn nhận là “ vị quan thanh liêm”. Chẳng lẽ dưới góc nhìn của dân ta, “ quan thanh liêm” nó rẻ rúng đến vậy? Hay là ở Việt Nam, “ quan thanh liêm” = “ quan tâm thần”???

IV. DÙNG ĐIỂN CỐ, ĐIỂN TÍCH QUÁ NHIỀU RỒI BỊ “NGỘ ĐỘC”:

Nguyễn Du rất thích đưa điển tích, điển cố Trung Quốc vào Truyện Kiều. Nhưng “ đi đêm có ngày gặp ma”, dùng nhiều thế nào cũng xảy ra chuyện dùng nhầm.

Đổng Văn Thành đọc bản Truyện Kiều dịch cũng bới ra được một lần dùng nhầm như thế. Đó là khi Nguyễn Du khen sắc đẹp của hai chị em Kiều bằng câu:

“ Một đài đồng tước khóa xuân hai Kiều”

Lúc viết câu này, có lẽ ông cũng chỉ muốn ví hai người đẹp như Nhị Kiều thời Tam Quốc mà thôi. Nhưng họ Đổng liền nhìn ra đây là một cách diễn lại ý thơ rất bậy. Nguyên gốc câu thơ trên thực ra là lấy từ “ Xích Bích hoài cổ” của Đỗ Mục thời Đường.

Nguyên văn:

“Đông phong bất dữ Chu lang tiện,

Đồng Tước xuân thâm toả nhị Kiều.”

Dịch là:

“Gió đông ví không thuận tiện cho chàng Chu Du,

Thì cảnh xuân thâm nghiêm của đài Đồng Tước đã khoá chặt hai nàng Kiều. ( Tào Tháo bắt hai nàng về làm nô lệ).”

Có ai lại đi khen nhan sắc con nhà người ta bằng một câu trù ẻo kinh dị như thế?

Nhưng tất cả những điều trên gộp lại vẫn chưa nghiêm trọng bằng chuyện “ con cưng”, “ con ghẻ” của Nguyễn Du.

Mối quan hệ Kim-Vân-Kiều: Du the Butcher đã dở hơi như thế nào.

Tạm thời ổn định tâm lí lại. Né Sakura một thời gian, quay qua chị Kiều đã. Chẳng hiểu sao đời tôi có vẻ có duyên với mấy tác phẩm thể loại thiên về tâm lý.

Chậc, nói chung, mối quan hệ của 3 nhân vật Kim-Vân-Kiều được 2 tác giả Thanh Tâm và Du the Butcher viết theo hai hướng khá khác nhau. Cá nhân tôi thì thấy Thanh Tâm viết cảm động và có tình người hơi ông Du nhà mình.

Dưới đây là sự khác biệt giữa hai bản:

I. Thanh Tâm: Tình chị em, sự đồng cảm, mang ơn và yêu thương.

1/ Quan hệ Kim-Vân-Kiều trong bản Thanh Tâm:

Cô Kiều trong bản này tính tình nghiêm nghị, na ná Saber Artoria. Cô ta có những lúc khóc dữ dội, nhưng cũng có những lúc dằn nước mắt để quán xuyến gia đình, hay cãi lộn với quan huyện ( “ trông lên mặt sắt đen sì”) để đòi quyền lợi cho mình. Trong bản Thanh Tâm, Kiều và Vân tâm sự với nhau rất nhiều. Từ chuyện lấy chồng, đến chuyện người yêu, gia biến,… Ờ thì cũng bình thường thôi, chị em ruột mà.

Kim Trọng đổ vì hai chị em ngay lần đầu đi chơi Tết. Anh ta từ lúc đó đã đặt mục tiêu phải cưới ít nhất một trong hai người. Cũng trong bản này, thật ra Vân đổ vì Kim Trọng trước. Vừa đi chơi Tết về, cô em tíu tít xúi chị tìm cách cưa đổ Kim Trọng. Nếu thành công, Kiều làm vợ lớn, Vân làm vợ bé cũng mãn nguyện rồi. Cô Kiều lúc đó còn bận nhớ…Đạm Tiên, nạt em không biết giữ ý tứ. Rồi mãi nhiều ngày sau đó, được Đạm Tiên báo mộng về tương lai mù mịt, rồi vô tình đụng mặt Kim Trọng khi đang trèo cây hái hoa đào. Lúc đó Kiều mới bắt đầu nảy sinh tình cảm. Rồi sau đêm ăn tiệc chung – mà kỳ thực là thử lòng Kim Trọng, nhận thấy anh ta là người chính chắn, Kiều mới chính thức quyết định thề nguyền đính ước với anh này.

= >  Nói cách khác, ở bản Thanh Tâm, Kiều lại người…sau cùng bị đổ.

Chi tiết “ tình tay ba” này lại giúp giải thích lý do vì sao Kiều quyết định trao duyên cho em. Cô ta biết Kim Trọng cũng thích Vân, mà cũng biết em mình thích hắn. Vậy, nếu bản thân không giữ được lời hứa, thì “ đền bù” cho Kim Trọng bằng cách mai mối anh ta với một người anh ta thích. Dễ hiểu quá phải không?

Trong đoạn trao duyên, Kiều cũng lạy Vân, nhưng còn nói thêm hai câu quan trọng:

– Chị làm trung thần xả thân vì nước, em làm lương thần thờ phụng gia đình.

– Chị nghĩ người tài tình như Kim Trọng, cả đời này khó lòng gặp được.

Như vậy, Kiều không chỉ nghĩ về khía cạnh tình cảm, cô ta còn suy tính đến nhiều thứ xa hơn. Bán mình buộc cha lần này, rồi…sao nữa? Ai sẽ bảo vệ gia đình sau đó? Chắc gì bọn sai nha không đến lần thứ hai, thứ ba? Rồi giả sử chúng không đến, gia đình sẽ đi về đâu ( 450 lượng bạc chứ có phải 400 cây vàng như ông nào chém đâu)? Vân sẽ đi về đâu? Kim Trọng là con của 1 địa chủ xứ Liêu Dương, anh ta không chỉ giàu có, có nhân cách đẹp, và anh ta cũng để ý Vân rồi. Còn ai tốt hơn để gửi gắm gia đình mình nữa. Và trên hết, Kim và Vân cũng yêu nhau.

  • Đó là chưa nói, trước khi đi, Kiều còn lạy xin được nhận Chung Sự – ông sai nha đã hướng dẫn Kiều cách lót tiền cứu cha – là bố nuôi. Nhà họ Chung về sau đó chơi rất thân với họ Vương, Vương Quan về sau cưới con gái ông Chung làm vợ. Cô Kiều Thanh Tâm tình cách củng cố gia đình mình như thế đó.

Một điều đặc biệt nữa, là khi trao duyên, cô Kiều cũng không có thái độ trịch thượng. Cô còn đặc biệt tán dương, bảo rằng việc Vân đang làm cũng là sự hy sinh, trọng trách nặng nề y hệt phần cô ta đang gánh. Dù cả hai người đều thừa biết phần ai nặng hơn ai. Chị em ý tứ với nhau như thế đấy.

2/ Cảnh đoàn tụ:

Bởi như trên đã nói, quan hệ Kim-Vân-Kiều không đơn giản là “ yêu/không yêu”, trắng đen rạch ròi.

– Với Kim Trọng: Vân là vợ, là người yêu, còn Kiều là mối tình đầu.

– Với Vân: Kiều là chị, là ân nhân, cũng là người giúp cô ta có được mối duyên theo ý muốn.

Cho nên mấy cái tình huống Kim Trọng cầm kỷ vật của Kiều mà khóc chẳng có gì gọi là tủi thân với Vân cả. Đây cũng chẳng phải chuyện Trọng hay Vân phải tránh mặt người kia để lén lút làm, thực tế là hai đứa lấy kỷ vật ra cùng nhau ngắm. Vì cả hai vợ chồng đều nhớ thương Kiều theo cái kiểu của họ. Chính Vân là người thấy chị trong mơ, rồi giục Kim Trọng đi tìm. Khi tìm thấy Kiều, cũng Vân và Vương Quan là người đầu tiên ôm chị mà khóc. Vừa dắt về nhà, chính Vân là người xúi cả nhà làm gấp đám cưới để chồng mình và chị lấy nhau.

Những gì chị mình trải qua, cô ta đã biết gần hết ( nghe sai nha, Thúc Sinh và dân địa phương kể lại). Vậy cái hành động ép duyên chị của Vân có ý nghĩa gì? Đơn giản thôi. Với cái xã hội thời đó ( mà thời nay cũng thế thôi), Kiều không đi tu thì biết sống thế nào trên đời? Ai thông cảm với cô ta? Ai chấp nhận cô ta? Ai sẽ làm chỗ dựa trong khi cô ta đến đi lại còn khó khăn ( Kiều Thanh Tâm bị bó chân)? Vân là cái cứu cánh đó. Chị đã mất cả cuộc đời vì em, giờ đến lượt chúng em sẽ bảo vệ, phụng dưỡng chị cả đời. Em biết chị yêu anh ấy, nhưng chúng em đều yêu chị.

Đó là cái kết thúc tạm gọi là viên mãn. Kiều thực tế không bao giờ rũ bỏ được mặc cảm – không dám động phòng với Kim Trọng. Nhưng sự yêu thương của vợ chồng Vân-Trọng đã cho cô ta một nơi để trở về. Từ đó, chị em “ không phân lớn bé” sống bên nhau trọn đời.

II. Kim-Vân-Kiều của Du the Butcher: Lộn tùng phèo.

Đọc kỹ và so sánh thì sẽ thấy có rất nhiều vấn đề không ổn với bản Kiều của Nguyễn Du.

1/ Quan hệ Kim-Vân-Kiều trong bản Du the Butcher:

Nguyễn Du là bậc thầy về dùng từ và miêu tả tâm lí. Chỉ riêng đoạn trao duyên cũng đủ để ông ta tự hào về mình. Thanh Tâm lúng túng miêu tả sự đau khổ của Kiều từ đoạn trao duyên đến ngày cưới Mã Giám Sinh. Thanh Tâm cho cô Kiều thỉnh thoảng lại khóc nhớ Kim Trọng, rồi lại nghiêm nghị lo việc nhà, rồi lại khóc viết thêm thư cho Kim Trọng. Nguyễn Du thì dồn tất cả lại, đẩy đoạn trao duyên đến sau cùng, chỉ vài giờ trước ngày cưới. Sự dồn nén của nhân vật được đẩy lên đỉnh điểm sau một đêm thao thức không ngủ được.

Rồi, làm sao tả nội tâm một người phải trao duyên? Nguyễn Du tả rằng mỗi khi cô ta nhìn vào kỷ vật lại nghĩ về quá khứ. Quá khứ có gì, có những kỷ niệm đẹp nhưng không còn nữa. Hết nghĩ về quá khứ, cô ta nghĩ đến tương lai. Tương lai có gì, một viễn cảnh mù mịt, chết chóc. Cuối cùng, cô ta quay về thực tại, rơi vào mê sảng, khóc với một cái ảo ảnh do chính mình tưởng tượng ra, rồi ngất xỉu. Tả nội tâm thì Việt Nam chắc chỉ có Nguyễn Du và Nam Cao xứng cái danh bậc thầy.

Demou…

Cách dùng từ của Nguyễn Du cũng không phải lúc nào cũng hợp ngữ cảnh. Nhiều lúc cách ông ta dùng từ lại khiến người đọc ấn tượng xấu với nhân vật. Điển hình là trong lúc Kiều thức suốt đêm khổ sở, thì Vân “ chợt tỉnh giấc xuân”. Bốn chữ này xếp vào ngữ cảnh trên cực kỳ mỉa mai. Khiến người đọc ấn tượng xấu với nhân vật. Nhưng đó chỉ mới là khúc dạo đầu cho Vân mà thôi.

Vân trong bản này bị dìm thê thảm. Nguyễn Du cắt gần hết đất diễn vốn đã ít ỏi của cô ta. Vân gần như chỉ tồn tại như một cái thước đo nhan sắc và tính cách cô Kiều. Vân đẹp để tả Kiều đẹp hơn. Vân nói về Đạm Tiên một cách lạnh lùng, để làm nổi bật lòng nhân hậu của Kiều. Khi Kiều thức suốt đêm trăm nỗi tơ vò, thì Vân phải ngủ khò khò. Kiều khóc lạy trao duyên, Vân nhận ngay chẳng một lời phàn nàn lẫn đồng ý. Tóm lại, Nguyễn Du không coi Vân là con người, mà chỉ là một NPC đứng đó để phục vụ việc xây dựng những nhân vật khác.

Cắt đất diễn chưa đủ, Nguyễn Du cắt luôn chi tiết Kim Trọng và Vân có tình ý với nhau. Điều này chỉ khiến đoạn trao duyên trong bản của ông càng trở nên khó hiểu. Dù SGK cố sức ca ngợi rằng nó đẹp hơn bản Thanh Tâm, nhưng tôi thật sự nghi ngờ có hs nào đọc đoạn này mà cảm thấy nó logic không? Hay họ phải tự trấn an nhau rằng “ chắc ngày xưa nó thế”?

= > Nói sao nhỉ. Dường như Nguyễn Du rất giỏi chăm chút mấy cái sắp xếp chi tiết, nhưng xét trên tổng thể câu chuyện thì ông ta cắt sửa một hồi lại khiến truyện hỗn loạn, phi logic và khó hiểu hơn?

2/ Đoạn đoàn tụ: Chị nhớ cho nhé, em là vợ lớn.

Happy End của bản Nguyễn Du chắc phải ức chế ngang với HF Normal End lẫn True End. Nó…lộn tùng phèo luôn.

Đầu tiên, gia đình đoàn tụ, mừng mừng tủi tủi. Kiều không chịu trở về. Thay vì bà mẹ kêu khóc “ dù con có ngay bây giờ biến thành Bồ Tát thì mẹ cũng không buông con ra đâu.” Thì Nguyễn Du thay vào bằng một câu động trời của ông bố:

“ Phải điều cầu Phật cầu tiên.

Tình kia hiếu nọ ai đền cho đây?”

Thật là hãi hùng. Ông biết con gái ông đã trải qua những gì chỉ vì cứu cái mạng bất tài nhà ông. Vậy mà vừa gặp lại, ông liền nói nó nếu không nghe lời ông nghĩa là nó…bất hiếu?

Mà thế đã hết. Trò chăm chút câu chữ của Nguyễn Du cuối cùng lại sinh ra cái trò bới từng chữ, cắt khỏi ngữ cảnh để mà…đoán ý tác giả.

Điển hình là câu “ tàng tàng chén cúc dở say”

Và “ vậy đem duyên chị buộc vào cho em.”

Hai câu này được suy diễn, vẽ ra một bức tranh chị Vân đau đớn cùng cực khi phải lấy Kim Trọng mà không có tình yêu. Sau đó lại xúi chồng trèo đèo lội suối tìm chị về. Tìm được lại cùng cả nhà bắt chị bỏ tu về hoàn tục. Vừa như ý xong thì lại uất ức tới độ phải nhậu xỉn rồi mới dám nói lên nỗi lòng mình? Lô Thị Gíc?

Đâu đã hết, cái Happy End của Du the Butcher còn kết bằng một câu choáng váng:

“ Thừa gia chẳng hết nàng Vân

Một cây cù mộc, một sân quế hòe.”

Mà ngồi gây lộn với bà Thảo Nguyễn năm nào tôi mới té ngửa ra cái nghĩa của nó là: “ Từ đó Vân phụ trách việc sinh con nối dõi. Vân làm vợ lớn ( suy ra Kiều làm vợ bé).”. Cái cảnh đoàn viên đầy tình cảm, qua tay Du the Butcher tự dưng biến thành một thứ kệch cỡm, thiếu tế nhị, cứ như là chì chiết cả 2 chị em.

III. Nguyễn Du và Hidden Point:

Nguyễn Du rất sợ bị người ta nói rằng mình không rành thơ chữ Hán, thế nên ông nhét điển cố điển tích dày đặc. Lắm lúc nó khó hiểu quá, người ta đọc rồi hiểu nhầm luôn.

Ví dụ, có thời gian dài tiếng đàn cuối cùng của Kiều được hiểu là tiếng đàn ngoài vui nhưng trong buồn rười rượi. Nhưng sau này mới té ngửa ra, cái:

“Khúc đâu êm ái xuân tình!

Ấy hồn Thục đế hay mình đỗ quyên?

Trong sao châu rõ duềnh quyên

Ấm sao hạt ngọc Lam Điền mới đông!

Lọt tai nghe suốt năm cung

Tiếng nào là chẳng não nùng xôn xao”

Thực ra là diễn lại ý bài Cầm Sắt của Lý Thương Ẩn nhà Đường:

“Trang sinh hiểu mộng mê hồ điệp,

Vọng đế xuân tâm thác đỗ quyên.

Thương hải nguyệt minh châu hữu lệ,

Lam Điền nhật noãn ngọc sinh yên.

Thử tình khả đãi thành truy ức,

Chỉ thị đương thời dĩ võng nhiên.”

Dịch là:

“Trang Chu buổi sáng nằm mộng thành bươm bướm

Lòng xuân của vua Thục đế gửi vào chim Đỗ Quyên

Trăng chiếu sáng trên mặt biển xanh, châu rơi lệ

Ánh nắng ấm áp chiếu vào hạt ngọc Lam Điền sinh ra khói

Tình này đã sớm trở thành nỗi nhớ nhung về dĩ vãng

Cho đến bây giờ chỉ còn lại nỗi đau thương.”

Nói tóm lại. Nguyễn Du dẫn lại một bài thơ rất buồn, nhưng sau đó thêm vào bốn câu kết luận sau:

“ Chàng rằng: Phổ ấy tay nào?

Xưa sao sầu thảm, nay sao vui vầy?

Tẻ vui bởi tại lòng này

Hay là khổ tận đến ngày cam lai?”

Ý của Nguyễn Du thực ra rất đơn giản: Buồn hay vui là do lòng mình. Vui rồi thì nghe nhạc buồn nó vẫn thấy vui. Có thế thôi.

IV. Kết luận:

Nói chung mỗi bản đều có ưu nhược điểm riêng. Bản của Nguyễn Du vượt trội về nghệ thuật, nhưng về nội dung thì nhiều lúc cắt sửa một hồi lại đâm không hợp logic, thậm chí gây khó hiểu.

Nhưng mà do thù hằn dân tộc, người Việt khi phân tích truyện Kiều luôn có xu hướng…ờ, các ông các bà biết rồi đó “ KVKT tầm thường, TK của Nguyễn Du thì hoàn thiện hơn về mọi mặt.”.