HF ROUTE – NHỮNG CÁI KẾT, Ý NGHĨA VÀ SỰ DANG DỞ CỦA CHÚNG.

I. BAD END “ MIND OF STEEL ( Ý CHÍ SẮT THÉP)”:

Bà chị Rin là một kẻ luôn dối người, dối lòng. Cho nên việc tìm hiểu động cơ thật sự của cô ta nhiều lúc rất khó khăn. Rất nhiều người nhầm tưởng rằng vào ngày 9, cô ta giết em để ngăn chặn Shadow ( nhưng xem setting bối cảnh lúc đó thì hoá ra không phải). Thậm chí, một thời gian dài, tôi còn nhầm tưởng ý Kirei ở Bad End này nói rằng Rin định giết Sakura rồi liều mạng giành Chén Thánh để hồi sinh em mình.

Cũng không phải nốt.

Hãy nghĩ lại xem? Rin là người như thế nào? Là một kẻ đi dây, lúc nào cũng chao đảo ngã về hoặc “ nhân tính”, hoặc “ Magus”. Cô ta muốn làm Magus, tuân theo luật Magus cũng không hẳn vì thích nó, mà vì tin vào cha mình. Bởi vì thế, lúc cô ta quả quyết “ tôi vì mọi người ( nhân tính)” thì đó là lúc cô ta đang biện bạch cho mục đích “ Magus” của mình, và ngược lại.

Quá trình hành động của Rin vào 2 ngày 8-9 như sau:

– Khi phát hiện ra cái hầm sâu. Cô ta nôn mửa, nghĩ đến em mình. Cô ta giờ đây đã hiểu “ thành người thừa kế nhà Matou” nghĩa là gì.

– Tiếp đó, cô ta quay ra, mắng chửi Shinji, rồi đọc một bài tuyên ngôn rằng Magus là những người vĩ đại như thế nào. Nói xong, Rin bỏ đi, không hề đến nhà Shirou tìm em mình.

– Sáng hôm sau. Rin gặp lại Shirou trên sân thượng trường học, ngầm lừa biến anh ta thành Familiar của mình để dễ bề khống chế ( nếu mắc mưu, sẽ dẫn đến Bad End nơi Sakura bị giết).

– Sau đó, trong thời gian rèn luyện Shirou, Rin mới biết em bị bệnh. Liền thu xếp đến thăm em. Nhưng đã quá trễ, trận chiến ở trường nổ ra.

– Sau cuộc chiến, Rin phát hiện ra Sakura thậm chí còn không phải là “ người thừa kế”, mà là vật thí nghiệm. Cơ thể không ổn định, theo luật Magus phải thủ tiêu để giữ bí mật.

– Thế là cô ta dùng nhiều lý do “ vì mọi người”, “ vì Sakura”, “ vì lệnh của Hiệp Hội” để thanh minh cho việc phải giết em.

Toàn thể quá trình này nói lên cái gì?

Nó nói lên rằng, dù rất thương em, Rin vẫn chưa đủ nghị lực để dứt khỏi con đường Magus để bảo vệ em mình. Sự thật tàn nhẫn càng khiến cô ta khủng hoảng, không dám đối diện với em.

Ý đồ đối phó với Sakura cũng hình thành trễ nhất là buổi sáng ngày 9 ( lừa Shirou lập hiệp ước), chứ không phải tối hôm đó. Một kẻ mất Servant như Shirou còn giá trị gì nếu không phải để đối phó với Sakura? Đây là biểu cảm của một người sẽ sẵn sàng bảo vệ em mình nếu nó gặp chuyện ư?

Dù Rin vẫn chưa thực sự muốn xuống tay với em ( lúc không kìm lòng được, đã suýt chạy đến thăm Sakura).Thế nhưng tình trạng thể chất của Sakura là một cái tát vào niềm tin của Rin “ Tokiomi luôn đúng”. Nó đẩy cô mạnh hơn vào thế phải lựa chọn, hoặc con người, hoặc Magus. Và thật “ may mắn”. Nó cũng gợi ý cho cô một lối thoát tinh thần khi có thể vừa giết em vừa giữ vững con đường Magus, nhưng vẫn làm như đang chiến đấu vì người dân vô tội.

Lưu ý ở đây: Nếu Rin nghe theo luật Magus, thì nguyên nhân chính không phải vì cô ta sợ bị trừng phạt, mà là cô ta sợ phải vất bỏ tất cả những gì mình tin tưởng suốt 11 năm chỉ trong 1 khoảng khắc. Nói cách khác, Rin giết em không phải vì luật Magus, càng không phải vì người dân, mà là vì quá sợ phải phản bội lại con đường lâu nay mình đã chọn. Đó là kiến giải của tôi.

Hãy hình dung điều gì sẽ xảy ra với Sakura nếu cô trót dại mà cầu cứu Rin sớm hơn vài năm, với cái vị thế “ người thừa kế nhà Matou” và “ cơ thể không ổn định” đó.

——————————–

Khi nghĩ rằng Rin sẽ giết Sakura, rồi cố gắng giành Chén Thánh để hồi sinh em mình. Đó là suy nghĩ của chúng ta đứng trên góc nhìn con người bình thường. Hãy nghĩ hơn về ý nghĩa của Bad End “ Ý chí sắt thép”:

Trong Bad End đó, cả hai anh chị cùng xúm lại giết một người thân yêu để giữ vững lý tưởng của mình. Shirou từ bỏ nhân tính để trở thành anh hùng. Vậy, nếu Rin từ bỏ nhân tính, cô ta sẽ còn lại cái gì, nếu không phải là lí tưởng trở thành Magus?

Đó là lí do Kirei nói Rin sẽ trở thành một người không từ thủ đoạn sau khi giết Sakura. Vì đó là điều duy nhất Rin còn lại. Hiển nhiên, nếu có thể giành được Chén Thánh, cô ta có lẽ sẽ thử dùng nó hồi sinh em. Nhưng nó không phải là mục tiêu tối thượng của Rin nữa. Chẳng ai dù là Kirei hay Rin nói câu nào về chuyện “ dùng Chén Thánh hồi sinh Sakura” cả. Nó chỉ là ảo tưởng của nhân tính chúng ta ( người đọc) tự bịa ra để tự an ủi mình mà thôi. Sau khi giết em, “ lời dạy của Tokiomi” và “ con đường Magus” là tất cả những gì Rin còn lại. Nếu cô ta không thể đạt được cả điều thứ hai, cô sẽ mất tất cả, điên loạn và suy sụp.

Rồi Rin sẽ ra sao?

Cô ta sẽ giết Shirou và bước vào Akasha, để đạt đến điều mà cha con cô ta ao ước, hay để chạy trốn khỏi tội lỗi mình?

Hay cô ta sẽ bất lực đứng nhìn Shirou phá huỷ Lesser Grail, rồi hoàn toàn phát điên vì suy sụp?

Hay cô ta sẽ tìm đến Zouken – nếu lão vẫn còn sống đến sau trận chiến – cầu xin lão dùng cái hầm sâu ấy để biến mình thành mạnh hơn, để chuẩn bị cho HGW6?

Dù sao đi nữa, “ Ý chí sắt đá” là một trong những bad end gây trăn trở và tò mò đến nỗi nhiều người muốn nó được trở thành một route hoàn chỉnh.

II. NORMAL END – CỐ ÉP NƯỚC MẮT NGƯỜI XEM:

Chúng ta được biết về quá trình viết HF route như thế này:

– Thời gian viết kéo dài đến 4 tháng, deadline gần kề.

– Nasu ngã bệnh, suýt định nhờ Gen viết hộ, rồi thôi.

– Không còn thời gian, phải trộn Sakura route và Illya route vào nhau. Mạch truyện vì thế có nhiều chỗ bất ổn, Sakura bị mất nhiều đất diễn.

– Vốn ban đầu định viết một ending buồn. Viết được 2/3 route lại đổi ý, nên viết thêm một happy end.

Những điều trên đều cho thấy rằng, cả 2 ending này bị viết khá vội, nên chất lượng khó mà bảo đảm.

Trong Normal End, để cố gắng ép nước mắt người xem, Nasu không ngại dẹp bớt nhiều chi tiết. Ví dụ như không cho Illya và Medusa xuất hiện ( dù họ đều còn sống). Rõ ràng, với quan hệ giữa Illya-Shirou-Kiritsugu, việc Illya hiểu tình cảm của Shirou hướng về Sakura, rồi việc Illya trở thành bạn thân của Sakura ở cuối Fate route,… việc hai người chia sẻ năm đầu tiên ở bên nhau là hiển nhiên lắm chứ? Chính Shirou từng hint rằng hắn sẵn sàng bỏ mạng để Sakura và Illya có thể được hạnh phúc mà cười nói, cùng nấu ăn sáng bên nhau kia mà.

Thế nên, tôi luôn thấy Normal End giống như một cái gì đó viết dở dang. Ừ thì nó có thể buồn thật, nhưng không thể cụt đầu cụt đuôi như thế này.

III. TRUE END – HAPPY END CỦA NHỮNG NỤ CƯỜI GƯỢNG?

Khi một tác giả bất ngờ bẻ lái, viết vội một happy end cho một câu chuyện bi kịch, người đọc sẽ nhanh chóng nhận ra “ có cái gì đó không ổn”. Bộ phim Hill House là ví dụ. Dù có happy ending, nhưng nó kỳ quái đến độ người xem phải hồ nghi “ đây là sự thật, hay là ảo giác của căn phòng ma ám đó???”. True End HF route cũng vậy.

Nhìn vào Sakura của True End (VN), ta thấy cái gì:

– Đôi mắt và màu tóc vẫn y nguyên không đổi, là hiện thân của vết sẹo tinh thần lẫn thể chất mãi mãi không lành. Mái tóc đen, màu mắt xanh vẫn mãi mãi không trở lại.

– Bọn trùng độc vẫn còn nằm rất nhiều trong cơ thể. Dù không nhiều như trước, nhưng vẫn là nhiều. Tác động của chúng đến Sakura giờ ra sao?

– Hỏi nhỏ: Sakura có còn khả năng sinh con không? Không ai trả lời. Nếu có, đứa con ấy có bị ảnh hưởng gì không? Cũng không ai trả lời.

– Rồi hội chứng PTSD hậu chấn thương tâm lý. Những cơn ác mộng, thấy mình bị bọn trùng hãm hiếp, thấy mình bị Shinji đánh đập, thấy mình hoá thành quỷ ăn thịt người. Nó đã tan biến chưa, bằng cách nào? Shirou sau 10 năm vẫn bị ám ảnh bởi trận lửa ngày đó, lẽ nào Sakura “ hồi phục” dễ dàng như vậy?

– Mảnh Chén Thánh vẫn còn nằm trong người. Giờ lại kế thừa một lượng Mana khổng lồ, phải liên tục “ đổ bớt” cho Rider và Shirou. Vẫn là một cơ thể không ổn định.

– Và cuối cùng, mặc cảm tội lỗi khi mạng của mình được đổi bằng mạng của bao nhiêu người vô tội.

“ Nếu em trở thành người xấu, anh có tha thứ cho em không?”

Một người như Sakura làm sao có thể mỉm cười nói “ quá khứ đã qua” mà quên hết mọi chuyện? Cô ta thậm chí còn không muốn sống để mà đối mặt với tội ác đó.

Những câu hỏi dài nối tiếp nhau, lão Nấm chẳng trả lời cái nào, chỉ để lại một dòng ngắn ngủi cùa Sakura:

“ Dù chậm, nhưng em đã có thể chấp nhận nhiều thứ. Em nghĩ nếu để mặc cảm tội lỗi đè bẹp mình thì cũng chẳng khác gì đang trốn chạy. Em sẽ cố hết sức làm những gì mình có thể làm.”

Nghĩa là bóng ma quá khứ vẫn còn đó, Sakura vẫn là Sakura, người “ cố gắng tự hài lòng và sống với những gì mình có”, người “ không muốn người khác lo lắng cho mình” như chúng ta đã biết?

Và điều quái đản nhất. Tại sao lại viết ending dưới góc nhìn của…Rin? Một bà chị có một khiếm khuyết tâm lý, luôn tin vào cái mình muốn tin, sẵn sàng bẻ cong hiện thực để vẽ ra một viễn cảnh màu hồng?

Câu hỏi của Rin ở cuối Ending luôn ám ảnh người đọc – những người hiểu Sakura:

“ Em có hạnh phúc không?”

Nếu là một người hiểu về tình trạng thể chất lẫn tính cách Sakura. Câu trả lời của bạn là gì?

Cho tới phút cuối cùng, Rin vẫn là Rin. Chị yêu em mình rất nhiều, nhưng không bao giờ hiểu nó, cũng không có khả năng chia sẻ, chăm sóc nó. Rin lúng túng không biết phải làm gì với em mình. Như lão Nấm cũng viết vào ngày 16:

“ Họ đã yêu thương cô ( Sakura) bằng cái cách vụng về của họ.”

– Ở trong Normal End, chị định mời em đến nhà Tohsaka sống cùng mình. Nhưng trên đời này, có nơi nào duy nhất mang đến cho Sakura những hồi ức đẹp? Nơi nào duy nhất từng có người cất tiếng hỏi “ em muốn làm gì?”? Rin muốn em dọn về nhà sống cùng mình, nhưng không hiểu rằng nơi đó chỉ gợi lên những ý ức buồn, cũng không hiểu rằng Sakura đã thật sự bị đuổi khỏi nhà Tohsaka từ lâu lắm rồi.

– Ở True End, chị tíu tíu nghĩ về những niềm vui, kể về những bất ngờ chị gặp phải ở Tháp Đồng Hồ. Và chị vẫn là chị, cô gái sống lạc quan trong cái thế giới tự mình vẽ ra. Trong cái thế giới đó, chị chịu hết mọi khổ đau, và em chị đang sống hạnh phúc. Ờ, thì có khá hơn một chút. Chị bắt đầu biết hỏi em mình

“ em có hạnh phúc không ? ( có đúng như chị đang nghĩ không?)”.

Hiển nhiên, Sakura sẽ cười. Tính cô có bao giờ muốn người khác lo lắng vì mình? Và được chị hỏi han thôi cũng đã là một niềm hạnh phúc.

——————————–

Có ai muốn biết cái gì sẽ xảy ra với một nạn nhân bị bạo hành sau khi họ thoát khỏi địa ngục không?

Jane Elliot mất ít nhất một năm với những cơn ác mộng và bao nhiêu lần thức giấc giữa đêm. Chị ta bò dưới gầm bàn để trốn một “ gã cha dượng” không có thật. Mất đến một năm bên chồng và các bạn để cô ta đủ dũng khí tố cáo kẻ đã làm điều đó với cô suốt mười mấy năm.

10 năm sau khi chuyện đó xảy ra, Lâm Dịch Hàm từng lấy chồng, rồi hôn nhân tan vỡ. Trầm cảm, khủng hoảng liên tục. Cô ta cuối cùng tự sát, chỉ vài tháng trước khi HF movie 1 được trình chiếu ( năm 2017).

Tôi may mắn được nói chuyện với một rape survivor cũng từng đọc FSN. Tôi hỏi chị ta một câu hoàn toàn nghiêm túc: “ có thể nào thoát khỏi PTSD không?”. Chị ta trả lời:  “ Không bao giờ.”. Đó là một lý do khiến chị ta tin rằng, dù Nấm thích viết về rape survivor, ông ta không thực sự hiểu họ.

Ám ảnh và những cơn ác mộng sẽ đeo bám các nạn nhân suốt phần đời còn lại. Họ hồi phục không phải bằng tình yêu, cũng không phải bằng một cái ôm của chị mình. Họ chống đỡ lại nó bằng bác sĩ và thuốc chống trầm cảm. Nó sẽ dịu đi, nhưng nó không bao giờ biến mất. Một số doujinshi cũng khai thác về vấn đề này. Bản thân tôi thì vẫn hình dung về những gì đang thực sự xảy ra kiểu như sau: Sakura hoảng loạn thức giấc lúc nửa đêm, rồi hai vợ chồng lại ôm nhau khóc. Cứ thế, và cứ thế. Gắng gượng mà sống. Nasu từng viết về chứng PTSD của Shirou. Vậy khó có thể nói ông ta không biết về điều này. Có thể đơn giản là ông không muốn nhắc đến nó, hoặc không nghĩ đến nó khi viết về Sakura mà thôi.

Bình luận về bài viết này