Mối quan hệ Kim-Vân-Kiều: Du the Butcher đã dở hơi như thế nào.

Tạm thời ổn định tâm lí lại. Né Sakura một thời gian, quay qua chị Kiều đã. Chẳng hiểu sao đời tôi có vẻ có duyên với mấy tác phẩm thể loại thiên về tâm lý.

Chậc, nói chung, mối quan hệ của 3 nhân vật Kim-Vân-Kiều được 2 tác giả Thanh Tâm và Du the Butcher viết theo hai hướng khá khác nhau. Cá nhân tôi thì thấy Thanh Tâm viết cảm động và có tình người hơi ông Du nhà mình.

Dưới đây là sự khác biệt giữa hai bản:

I. Thanh Tâm: Tình chị em, sự đồng cảm, mang ơn và yêu thương.

1/ Quan hệ Kim-Vân-Kiều trong bản Thanh Tâm:

Cô Kiều trong bản này tính tình nghiêm nghị, na ná Saber Artoria. Cô ta có những lúc khóc dữ dội, nhưng cũng có những lúc dằn nước mắt để quán xuyến gia đình, hay cãi lộn với quan huyện ( “ trông lên mặt sắt đen sì”) để đòi quyền lợi cho mình. Trong bản Thanh Tâm, Kiều và Vân tâm sự với nhau rất nhiều. Từ chuyện lấy chồng, đến chuyện người yêu, gia biến,… Ờ thì cũng bình thường thôi, chị em ruột mà.

Kim Trọng đổ vì hai chị em ngay lần đầu đi chơi Tết. Anh ta từ lúc đó đã đặt mục tiêu phải cưới ít nhất một trong hai người. Cũng trong bản này, thật ra Vân đổ vì Kim Trọng trước. Vừa đi chơi Tết về, cô em tíu tít xúi chị tìm cách cưa đổ Kim Trọng. Nếu thành công, Kiều làm vợ lớn, Vân làm vợ bé cũng mãn nguyện rồi. Cô Kiều lúc đó còn bận nhớ…Đạm Tiên, nạt em không biết giữ ý tứ. Rồi mãi nhiều ngày sau đó, được Đạm Tiên báo mộng về tương lai mù mịt, rồi vô tình đụng mặt Kim Trọng khi đang trèo cây hái hoa đào. Lúc đó Kiều mới bắt đầu nảy sinh tình cảm. Rồi sau đêm ăn tiệc chung – mà kỳ thực là thử lòng Kim Trọng, nhận thấy anh ta là người chính chắn, Kiều mới chính thức quyết định thề nguyền đính ước với anh này.

= >  Nói cách khác, ở bản Thanh Tâm, Kiều lại người…sau cùng bị đổ.

Chi tiết “ tình tay ba” này lại giúp giải thích lý do vì sao Kiều quyết định trao duyên cho em. Cô ta biết Kim Trọng cũng thích Vân, mà cũng biết em mình thích hắn. Vậy, nếu bản thân không giữ được lời hứa, thì “ đền bù” cho Kim Trọng bằng cách mai mối anh ta với một người anh ta thích. Dễ hiểu quá phải không?

Trong đoạn trao duyên, Kiều cũng lạy Vân, nhưng còn nói thêm hai câu quan trọng:

– Chị làm trung thần xả thân vì nước, em làm lương thần thờ phụng gia đình.

– Chị nghĩ người tài tình như Kim Trọng, cả đời này khó lòng gặp được.

Như vậy, Kiều không chỉ nghĩ về khía cạnh tình cảm, cô ta còn suy tính đến nhiều thứ xa hơn. Bán mình buộc cha lần này, rồi…sao nữa? Ai sẽ bảo vệ gia đình sau đó? Chắc gì bọn sai nha không đến lần thứ hai, thứ ba? Rồi giả sử chúng không đến, gia đình sẽ đi về đâu ( 450 lượng bạc chứ có phải 400 cây vàng như ông nào chém đâu)? Vân sẽ đi về đâu? Kim Trọng là con của 1 địa chủ xứ Liêu Dương, anh ta không chỉ giàu có, có nhân cách đẹp, và anh ta cũng để ý Vân rồi. Còn ai tốt hơn để gửi gắm gia đình mình nữa. Và trên hết, Kim và Vân cũng yêu nhau.

  • Đó là chưa nói, trước khi đi, Kiều còn lạy xin được nhận Chung Sự – ông sai nha đã hướng dẫn Kiều cách lót tiền cứu cha – là bố nuôi. Nhà họ Chung về sau đó chơi rất thân với họ Vương, Vương Quan về sau cưới con gái ông Chung làm vợ. Cô Kiều Thanh Tâm tình cách củng cố gia đình mình như thế đó.

Một điều đặc biệt nữa, là khi trao duyên, cô Kiều cũng không có thái độ trịch thượng. Cô còn đặc biệt tán dương, bảo rằng việc Vân đang làm cũng là sự hy sinh, trọng trách nặng nề y hệt phần cô ta đang gánh. Dù cả hai người đều thừa biết phần ai nặng hơn ai. Chị em ý tứ với nhau như thế đấy.

2/ Cảnh đoàn tụ:

Bởi như trên đã nói, quan hệ Kim-Vân-Kiều không đơn giản là “ yêu/không yêu”, trắng đen rạch ròi.

– Với Kim Trọng: Vân là vợ, là người yêu, còn Kiều là mối tình đầu.

– Với Vân: Kiều là chị, là ân nhân, cũng là người giúp cô ta có được mối duyên theo ý muốn.

Cho nên mấy cái tình huống Kim Trọng cầm kỷ vật của Kiều mà khóc chẳng có gì gọi là tủi thân với Vân cả. Đây cũng chẳng phải chuyện Trọng hay Vân phải tránh mặt người kia để lén lút làm, thực tế là hai đứa lấy kỷ vật ra cùng nhau ngắm. Vì cả hai vợ chồng đều nhớ thương Kiều theo cái kiểu của họ. Chính Vân là người thấy chị trong mơ, rồi giục Kim Trọng đi tìm. Khi tìm thấy Kiều, cũng Vân và Vương Quan là người đầu tiên ôm chị mà khóc. Vừa dắt về nhà, chính Vân là người xúi cả nhà làm gấp đám cưới để chồng mình và chị lấy nhau.

Những gì chị mình trải qua, cô ta đã biết gần hết ( nghe sai nha, Thúc Sinh và dân địa phương kể lại). Vậy cái hành động ép duyên chị của Vân có ý nghĩa gì? Đơn giản thôi. Với cái xã hội thời đó ( mà thời nay cũng thế thôi), Kiều không đi tu thì biết sống thế nào trên đời? Ai thông cảm với cô ta? Ai chấp nhận cô ta? Ai sẽ làm chỗ dựa trong khi cô ta đến đi lại còn khó khăn ( Kiều Thanh Tâm bị bó chân)? Vân là cái cứu cánh đó. Chị đã mất cả cuộc đời vì em, giờ đến lượt chúng em sẽ bảo vệ, phụng dưỡng chị cả đời. Em biết chị yêu anh ấy, nhưng chúng em đều yêu chị.

Đó là cái kết thúc tạm gọi là viên mãn. Kiều thực tế không bao giờ rũ bỏ được mặc cảm – không dám động phòng với Kim Trọng. Nhưng sự yêu thương của vợ chồng Vân-Trọng đã cho cô ta một nơi để trở về. Từ đó, chị em “ không phân lớn bé” sống bên nhau trọn đời.

II. Kim-Vân-Kiều của Du the Butcher: Lộn tùng phèo.

Đọc kỹ và so sánh thì sẽ thấy có rất nhiều vấn đề không ổn với bản Kiều của Nguyễn Du.

1/ Quan hệ Kim-Vân-Kiều trong bản Du the Butcher:

Nguyễn Du là bậc thầy về dùng từ và miêu tả tâm lí. Chỉ riêng đoạn trao duyên cũng đủ để ông ta tự hào về mình. Thanh Tâm lúng túng miêu tả sự đau khổ của Kiều từ đoạn trao duyên đến ngày cưới Mã Giám Sinh. Thanh Tâm cho cô Kiều thỉnh thoảng lại khóc nhớ Kim Trọng, rồi lại nghiêm nghị lo việc nhà, rồi lại khóc viết thêm thư cho Kim Trọng. Nguyễn Du thì dồn tất cả lại, đẩy đoạn trao duyên đến sau cùng, chỉ vài giờ trước ngày cưới. Sự dồn nén của nhân vật được đẩy lên đỉnh điểm sau một đêm thao thức không ngủ được.

Rồi, làm sao tả nội tâm một người phải trao duyên? Nguyễn Du tả rằng mỗi khi cô ta nhìn vào kỷ vật lại nghĩ về quá khứ. Quá khứ có gì, có những kỷ niệm đẹp nhưng không còn nữa. Hết nghĩ về quá khứ, cô ta nghĩ đến tương lai. Tương lai có gì, một viễn cảnh mù mịt, chết chóc. Cuối cùng, cô ta quay về thực tại, rơi vào mê sảng, khóc với một cái ảo ảnh do chính mình tưởng tượng ra, rồi ngất xỉu. Tả nội tâm thì Việt Nam chắc chỉ có Nguyễn Du và Nam Cao xứng cái danh bậc thầy.

Demou…

Cách dùng từ của Nguyễn Du cũng không phải lúc nào cũng hợp ngữ cảnh. Nhiều lúc cách ông ta dùng từ lại khiến người đọc ấn tượng xấu với nhân vật. Điển hình là trong lúc Kiều thức suốt đêm khổ sở, thì Vân “ chợt tỉnh giấc xuân”. Bốn chữ này xếp vào ngữ cảnh trên cực kỳ mỉa mai. Khiến người đọc ấn tượng xấu với nhân vật. Nhưng đó chỉ mới là khúc dạo đầu cho Vân mà thôi.

Vân trong bản này bị dìm thê thảm. Nguyễn Du cắt gần hết đất diễn vốn đã ít ỏi của cô ta. Vân gần như chỉ tồn tại như một cái thước đo nhan sắc và tính cách cô Kiều. Vân đẹp để tả Kiều đẹp hơn. Vân nói về Đạm Tiên một cách lạnh lùng, để làm nổi bật lòng nhân hậu của Kiều. Khi Kiều thức suốt đêm trăm nỗi tơ vò, thì Vân phải ngủ khò khò. Kiều khóc lạy trao duyên, Vân nhận ngay chẳng một lời phàn nàn lẫn đồng ý. Tóm lại, Nguyễn Du không coi Vân là con người, mà chỉ là một NPC đứng đó để phục vụ việc xây dựng những nhân vật khác.

Cắt đất diễn chưa đủ, Nguyễn Du cắt luôn chi tiết Kim Trọng và Vân có tình ý với nhau. Điều này chỉ khiến đoạn trao duyên trong bản của ông càng trở nên khó hiểu. Dù SGK cố sức ca ngợi rằng nó đẹp hơn bản Thanh Tâm, nhưng tôi thật sự nghi ngờ có hs nào đọc đoạn này mà cảm thấy nó logic không? Hay họ phải tự trấn an nhau rằng “ chắc ngày xưa nó thế”?

= > Nói sao nhỉ. Dường như Nguyễn Du rất giỏi chăm chút mấy cái sắp xếp chi tiết, nhưng xét trên tổng thể câu chuyện thì ông ta cắt sửa một hồi lại khiến truyện hỗn loạn, phi logic và khó hiểu hơn?

2/ Đoạn đoàn tụ: Chị nhớ cho nhé, em là vợ lớn.

Happy End của bản Nguyễn Du chắc phải ức chế ngang với HF Normal End lẫn True End. Nó…lộn tùng phèo luôn.

Đầu tiên, gia đình đoàn tụ, mừng mừng tủi tủi. Kiều không chịu trở về. Thay vì bà mẹ kêu khóc “ dù con có ngay bây giờ biến thành Bồ Tát thì mẹ cũng không buông con ra đâu.” Thì Nguyễn Du thay vào bằng một câu động trời của ông bố:

“ Phải điều cầu Phật cầu tiên.

Tình kia hiếu nọ ai đền cho đây?”

Thật là hãi hùng. Ông biết con gái ông đã trải qua những gì chỉ vì cứu cái mạng bất tài nhà ông. Vậy mà vừa gặp lại, ông liền nói nó nếu không nghe lời ông nghĩa là nó…bất hiếu?

Mà thế đã hết. Trò chăm chút câu chữ của Nguyễn Du cuối cùng lại sinh ra cái trò bới từng chữ, cắt khỏi ngữ cảnh để mà…đoán ý tác giả.

Điển hình là câu “ tàng tàng chén cúc dở say”

Và “ vậy đem duyên chị buộc vào cho em.”

Hai câu này được suy diễn, vẽ ra một bức tranh chị Vân đau đớn cùng cực khi phải lấy Kim Trọng mà không có tình yêu. Sau đó lại xúi chồng trèo đèo lội suối tìm chị về. Tìm được lại cùng cả nhà bắt chị bỏ tu về hoàn tục. Vừa như ý xong thì lại uất ức tới độ phải nhậu xỉn rồi mới dám nói lên nỗi lòng mình? Lô Thị Gíc?

Đâu đã hết, cái Happy End của Du the Butcher còn kết bằng một câu choáng váng:

“ Thừa gia chẳng hết nàng Vân

Một cây cù mộc, một sân quế hòe.”

Mà ngồi gây lộn với bà Thảo Nguyễn năm nào tôi mới té ngửa ra cái nghĩa của nó là: “ Từ đó Vân phụ trách việc sinh con nối dõi. Vân làm vợ lớn ( suy ra Kiều làm vợ bé).”. Cái cảnh đoàn viên đầy tình cảm, qua tay Du the Butcher tự dưng biến thành một thứ kệch cỡm, thiếu tế nhị, cứ như là chì chiết cả 2 chị em.

III. Nguyễn Du và Hidden Point:

Nguyễn Du rất sợ bị người ta nói rằng mình không rành thơ chữ Hán, thế nên ông nhét điển cố điển tích dày đặc. Lắm lúc nó khó hiểu quá, người ta đọc rồi hiểu nhầm luôn.

Ví dụ, có thời gian dài tiếng đàn cuối cùng của Kiều được hiểu là tiếng đàn ngoài vui nhưng trong buồn rười rượi. Nhưng sau này mới té ngửa ra, cái:

“Khúc đâu êm ái xuân tình!

Ấy hồn Thục đế hay mình đỗ quyên?

Trong sao châu rõ duềnh quyên

Ấm sao hạt ngọc Lam Điền mới đông!

Lọt tai nghe suốt năm cung

Tiếng nào là chẳng não nùng xôn xao”

Thực ra là diễn lại ý bài Cầm Sắt của Lý Thương Ẩn nhà Đường:

“Trang sinh hiểu mộng mê hồ điệp,

Vọng đế xuân tâm thác đỗ quyên.

Thương hải nguyệt minh châu hữu lệ,

Lam Điền nhật noãn ngọc sinh yên.

Thử tình khả đãi thành truy ức,

Chỉ thị đương thời dĩ võng nhiên.”

Dịch là:

“Trang Chu buổi sáng nằm mộng thành bươm bướm

Lòng xuân của vua Thục đế gửi vào chim Đỗ Quyên

Trăng chiếu sáng trên mặt biển xanh, châu rơi lệ

Ánh nắng ấm áp chiếu vào hạt ngọc Lam Điền sinh ra khói

Tình này đã sớm trở thành nỗi nhớ nhung về dĩ vãng

Cho đến bây giờ chỉ còn lại nỗi đau thương.”

Nói tóm lại. Nguyễn Du dẫn lại một bài thơ rất buồn, nhưng sau đó thêm vào bốn câu kết luận sau:

“ Chàng rằng: Phổ ấy tay nào?

Xưa sao sầu thảm, nay sao vui vầy?

Tẻ vui bởi tại lòng này

Hay là khổ tận đến ngày cam lai?”

Ý của Nguyễn Du thực ra rất đơn giản: Buồn hay vui là do lòng mình. Vui rồi thì nghe nhạc buồn nó vẫn thấy vui. Có thế thôi.

IV. Kết luận:

Nói chung mỗi bản đều có ưu nhược điểm riêng. Bản của Nguyễn Du vượt trội về nghệ thuật, nhưng về nội dung thì nhiều lúc cắt sửa một hồi lại đâm không hợp logic, thậm chí gây khó hiểu.

Nhưng mà do thù hằn dân tộc, người Việt khi phân tích truyện Kiều luôn có xu hướng…ờ, các ông các bà biết rồi đó “ KVKT tầm thường, TK của Nguyễn Du thì hoàn thiện hơn về mọi mặt.”.

Một suy nghĩ 1 thoughts on “Mối quan hệ Kim-Vân-Kiều: Du the Butcher đã dở hơi như thế nào.

  1. Bài viết phân tích hay, tuy nhiên vẫn có phần thiên vị. 金雲翹 của Thanh Tâm tài nhân gọi là Kim-Vân-Kiều truyện thì đương nhiên người ta phải viết sao cho mối quan hệ của 3 người tương hỗ. Trong khi đó 斷腸新聲 Đoạn trường tân thanh thì đúng chỉ nói về mặt tâm trạng Kiều thôi, phải viết sao cho nổi bật mặt đó. Trong văn học các tác phẩm chuyển thể/viết lại cũng không thiếu, nhất là các tác phẩm cách nhau 100 năm. Tác giả có sự sáng tạo riêng khi viết lại không có nghĩa là người ta cố tình “butcher” như chuyển ngữ 1/1.

    Thích

Bình luận về bài viết này