NGUYỄN DU SỬA TRUYỆN KIỀU – NHÂN ĐẠO HAY DUY CẢM? ( PHẦN 1)

Nguyễn Du khi viết lại Truyện Kiều đã thêm vào bớt ra nhiều chi tiết từ lặt vặt đến quan trọng. Vấn đề là rất nhiều khi ông không quan tâm gì đến việc thay đổi tổng thể câu chuyện để thích nghi với sự thêm bớt đó. Kết quả của chuyện “ tỉa cành mà không nhìn tổng thể cái cây” này đã gây ra rất nhiều chi tiết khó hiểu trong bản của Nguyễn Du. Một vài chi tiết trong đó còn gây tranh cãi đến tận 200 năm sau.

I. GIA CẢNH TRONG TRUYỆN KIỀU

Trong bản của Thanh Tâm, gia cảnh Kiều được mô tả khá rõ:

– Ông Vương là viên ngoại, gia cảnh thường thường bậc trung.

– Gia đình không có người hầu kẻ hạ. Tiệc bày cho Kim Trọng ăn là Kiều tự nấu lấy.

– Căn nhà ở phố thị, vốn là một căn biệt thự được nhà giàu nào đó ngăn vách chia ra rồi bán lại.

– Nhà chỉ đủ ăn đủ mặc. Sai nha vét nhà chẳng có cái gì đáng giá, phải vét tạm…quần áo mang đi. Vì thế, chúng mới gợi ý cô Kiều bán mình kiếm thêm tiền nộp cho chúng.

Với gia cảnh như thế này, hạ sách bán mình là việc hợp logic, có thể hiểu được.

Sang bản Nguyễn Du, ông cực kỳ khoa trương về xuất thân cô Kiều. Ngồi tả một cô gái thuộc gia đình “ thường thường bậc trung”, nhưng ông cứ viết thành một tiểu thư khuê các, lúc nào cũng bay bổng trong một cái nhà to như…phủ đệ Nguyễn Khản. Ví dụ nhưng ông đã làm người đọc tưởng nhầm cái vườn nhà Kiều rất rộng thế này:

“ Cửa ngoài vội rủ rèm the

Xăm xăm băng lối vườn khuya một mình”

Do sự thay đổi này mà người Việt mất 200 năm gây lộn nhau về một chuyện không đáng: Nhà giàu thế sao không bán ruộng vườn mà bán mình làm gì?

Cái đó đi mà hỏi Nguyễn Du để biết thêm chi tiết.

II. CẮT ĐOẠN NÀY NHƯNG ĐỂ LẠI ĐOẠN KIA:

Nguyễn Du không có hứng thú gì lắm với những đoạn cô Kiều suy tính, ứng phó trước các tình huống. Vì nhiều lý do ( đặc biệt là để giữ thể diện hai đứa “ con cưng đích thực” trong truyện), ông thường cho cắt sạch gần hết các phân đoạn cô thể hiện sự lanh lợi của mình. Liệt kê ra thì dài dằng dặc:

– Suy tính, mặc cả việc bán mình chuộc cha.

– Suy tính việc trao duyên.

– Cùng Chung Sự đi lót tiền chuộc cha về.

– Phân tích những điểm bất thường về “ phú ông” Mã Giám Sinh.

– Tranh cãi với quan huyện về chuyện mình làm lẽ.

– Hoài nghi việc đã một năm trời mà Hoạn Thư không liên lạc với Thúc Sinh.

– Nghi ngờ bọn Bạc Bà, Bạc Hạnh.

– Cấm lệnh bọn binh sĩ của Từ Hải không được giết chóc dân chúng.

– Phân tích cho Từ Hải thấy đầu hàng là hợp lí.

Ông cắt gần hết các phân đoạn trên ( trừ đoạn về Mã Giám Sinh), thay vào truyện nhiều phân đoạn Kiều độc thoại nội tâm thương nhớ gia đình và xót xa thân phận mình. Thật ra thay đổi không phải là vấn đề. Vấn đề là thay đổi xong, ông vẫn giữ nguyên mấy lời khen ngợi:

“ Thông minh vốn sẵn tính trời.”

“Cướp công cha mẹ, thiệt đời thông minh.”

“ Thúy Kiều sắc sảo khôn ngoan”

Để rồi đến nỗi người đọc không hiểu nổi Kiều thông minh chỗ nào mà Nguyễn Du cứ khen hoài?

Thỏi bạc 50 lượng – hiện vật của Trung Quốc

Chuyện tiền bạc cũng là một điều đáng bàn. Nguyễn Du rất thích dùng lượng vàng, trong khi bản gốc chỉ dùng đến lượng bạc. Điều này đôi khi khiến câu chuyện trở nên kỳ cục một cách không đáng có.

Ví dụ. Kiều thực tế chỉ bán mình được 450 lạng bạc. Nhưng Nguyễn Du viết khống lên thành “ vàng ngoài bốn trăm”. Nghĩa là, nếu chỉ xét theo thời giá nhà Minh, thì giá trị tăng lên gấp…7, thậm chí gấp 10. Rồi rồi, cứ cho rằng bản Nôm xưa viết “ vâng” thay vì “ vàng” đi, nhưng cũng có khác biệt gì đâu khi đến đoạn giao tiền Nguyễn Du vẫn viết:

“𠃅𡢐户馬𣃣𨖅

Mái sau họ Mã vừa sang,

詞花㐌記斤買𢭂

Tờ hoa đã ký, cân vàng mới trao.”

Sửa “ bạc” thành “ vàng” không phải là vấn đề. Vấn đề là đến đoạn Kim Trọng trở về thì Nguyễn Du vẫn giữ nguyên tình tiết. Gia đình Vương ông vẫn sa sút, vẫn “ may thuê viết mướn” theo đúng bản Thanh Tâm. Không hiểu 3000-4000 lượng bạc ( chưa trừ 300 lạng hối lộ) nó bốc hơi chỉ trong vài tháng bằng cách nào mà gia đình này nghèo nhanh như vậy?

III. TÙY TIỆN SỬA ĐỔI TÌNH TIẾT:

Ngoài mặt, Nguyễn Du tỏ vẻ thương xót cô Kiều. Nhưng nếu so sánh hai bản, thì dường như ông có xu hướng thích hành hạ cô Kiều còn nhiều hơn cả Thanh Tâm. Khi không có cơ hội để “ hành”, thì ông tự vẽ ra thêm. Đó là chi tiết ông quan thứ hai ( “ mặt sắt đen sì”) trong truyện:

– Trong KVKT đây là một vụ án dân sự phi lý ngay từ đầu. Thúc ông vì quá sợ bị nhà Hoạn Thư hỏi tội, nên đánh trống năn nỉ quan phủ bắt Thúc-Kiều bỏ nhau. Ông quan hỏi cô vợ lẽ ở nhà suốt một năm, có làm gì bại hoại gia phong không? Thúc ông thừa nhận là không có. Hiểu ra sự việc, quan cho mời hai vợ chồng đến.

Giữa công đường, Kiều tranh cãi với quan, rõ ràng luật lệ làm gì có điều nào cấm chồng đi lấy vợ lẽ? Mà làm gì có luật nào tự dưng bắt phụ nữ tống vào lầu xanh? Không chỉ tranh cãi, cô còn nghe lời khích bác của quan mà làm thơ đáp. Quan lại lấy cớ đó, khen ngợi, rồi an ủi Thúc Ông, lại sai người thuê kiệu cưới cho hai vợ chồng ra về.

– Trong bản của Nguyễn Du, ông quan đùng đùng nổi giận, mắng như trút nước hai vợ chồng. Rằng Thúc Sinh là kẻ “chơi bời”, “ đong đưa”, Kiều là “ gái lầu xanh”. Nghĩa là nói vòng nói vo nhưng chắc chắn không nói một điều nào trong…luật. Rồi, quan túm cô Kiều ra đánh té tát:

“Ba cây chập lại một cành mẫu đơn.

Phận đành chi dám kêu oan,

Đào hoen quẹn má liễu tan tác mày.

Một sân lầm cát đã đầy,

Gương lờ nước thủy mai gầy vóc sương.”

Đánh người đến suýt chết xong. Quan lại nghe Thúc Sinh khóc bảo Kiều tài lắm, nên bảo cô làm thư xem thử. Xem thơ xong, quan thích quá, liền ca tụng hết lời, lại còn sắp sửa kiệu hoa cho về:

“Kíp truyền sắm sửa lễ công,

Kiệu hoa cất gió đuốc hồng điểm sao.

Bày hàng cổ xúy xôn xao,

Song song đưa tới trướng đào sánh đôi.”

= > Cả phân đoạn gần như y hệt. Nguyễn Du chỉ sửa lại chi tiết Kiều và quan tranh cãi về luật pháp, đổi thành quan đánh mắng Kiều té tát. Còn lại những chi tiết trước và sau đó đều giữ nguyên, mặc kệ logic bị xáo trộn. Vị quan từ một người biết nói phải trái, giờ biến thành một gã thần kinh. Lúc thì đùng đùng nổi giận, đánh người đến muốn bất tỉnh. Lúc thì vui vẻ, ca tụng nhiệt liệt, sắm sửa tung hoa tiễn vợ chồng về.

Điều kinh dị ở chỗ, rõ ràng đã tự bịa ra một cái cớ để hành hạ nhân vật, nhưng Nguyễn Du viết về cảnh Kiều bị đánh bằng một giọng thơ rất bi thương. Nói cách khác, là kiểu mèo khóc chuột vô cùng quái dị. Vì sao ông không buồn xây dựng lại cả phân đoạn cho hợp lí với tình tiết mới? Rốt cuộc ông ta thêm vào cảnh đánh roi để làm gì? Ông ta muốn mỉa mai quan lại Việt Nam ư? Hay đơn giản là thèm được hành hạ nhân vật của mình?

Điều lố bịch hơn nữa là suốt 200 năm, cái ông quan mắc chứng thần kinh này được độc giả người Việt nhìn nhận là “ vị quan thanh liêm”. Chẳng lẽ dưới góc nhìn của dân ta, “ quan thanh liêm” nó rẻ rúng đến vậy? Hay là ở Việt Nam, “ quan thanh liêm” = “ quan tâm thần”???

IV. DÙNG ĐIỂN CỐ, ĐIỂN TÍCH QUÁ NHIỀU RỒI BỊ “NGỘ ĐỘC”:

Nguyễn Du rất thích đưa điển tích, điển cố Trung Quốc vào Truyện Kiều. Nhưng “ đi đêm có ngày gặp ma”, dùng nhiều thế nào cũng xảy ra chuyện dùng nhầm.

Đổng Văn Thành đọc bản Truyện Kiều dịch cũng bới ra được một lần dùng nhầm như thế. Đó là khi Nguyễn Du khen sắc đẹp của hai chị em Kiều bằng câu:

“ Một đài đồng tước khóa xuân hai Kiều”

Lúc viết câu này, có lẽ ông cũng chỉ muốn ví hai người đẹp như Nhị Kiều thời Tam Quốc mà thôi. Nhưng họ Đổng liền nhìn ra đây là một cách diễn lại ý thơ rất bậy. Nguyên gốc câu thơ trên thực ra là lấy từ “ Xích Bích hoài cổ” của Đỗ Mục thời Đường.

Nguyên văn:

“Đông phong bất dữ Chu lang tiện,

Đồng Tước xuân thâm toả nhị Kiều.”

Dịch là:

“Gió đông ví không thuận tiện cho chàng Chu Du,

Thì cảnh xuân thâm nghiêm của đài Đồng Tước đã khoá chặt hai nàng Kiều. ( Tào Tháo bắt hai nàng về làm nô lệ).”

Có ai lại đi khen nhan sắc con nhà người ta bằng một câu trù ẻo kinh dị như thế?

Nhưng tất cả những điều trên gộp lại vẫn chưa nghiêm trọng bằng chuyện “ con cưng”, “ con ghẻ” của Nguyễn Du.

Bình luận về bài viết này